Bộ Quốc phòng huy động hơn 425.000 chiến sĩ và 4.000 phương tiện ứng phó bão số 3
(TN&MT) - Theo Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), hiện Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 425.000 chiến sĩ và 4.000 lượt phương tiện để ứng phó với bão số 3.
Hồi 16 giờ ngày 05/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, ngày 5/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện gửi các tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh (BTL) Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển, BTL Thủ đô Hà Nội, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các tổng công ty: Đông Bắc, Lũng Lô, 319, 789... về việc thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 (bão Yagi).
Theo đó, các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh, thành phố (quận, huyện, thị xã) chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập đoàn công tác kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Bộ tư lệnh BĐBP chỉ đạo Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.
Đồng thời, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho phương tiện làm nhiệm vụ trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo.
Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 kiểm tra, rà soát kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh của Bộ Quốc phòng.
Các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, chủ động phối hợp, hiệp đồng với chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Theo đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), hiện Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 425.000 chiến sĩ với hơn 4.000 lượt phương tiện tàu thuyền, máy bay,... để ứng phó với bão số 3; tích cực chỉ đạo các Quân khu từ 1 đến 5 quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tập trung nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ứng phó với bão.
Hiện lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm) biết về hướng đi của bão để di chuyển về khu vực an toàn.