Bộ GDĐT ban hành Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021. Ảnh minh họa |
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Trong đó, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (đây là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1) là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GDĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành; triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.
Bên cạnh đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chỉ thị cũng đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cơ bản như hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn, Giám đốc các Sở GDĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.