Bất chấp hiểm nguy vào “tâm dịch”
0 giờ ngày 19/7 thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện “giãn các kép” theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Thành phố Hồ Chí Minh được coi là “tâm dịch lớn nhất cả nước”. Hàng trăm tuyến phố, hàng con hẻm bị chăng dây, phong tỏa.
Trước gian nguy của người dân thành phố hơn 6 triệu dân đang “oằn mình” chống dịch với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, 102 cán bộ chiến sĩ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân đã xung phong vào thành phố Thủ Đức - địa bàn được coi là “tâm dịch” lớn nhất toàn thành phố Hồ Chí Minh để cùng nhân dân chống dịch.
Trước giờ lên đường làm nhiệm vụ, những người lính trẻ được lãnh đạo đơn vị gặp gỡ, động viên, chia sẻ. Phút giây chia tay, ai cũng xúc động và mong hẹn ngày chiến thắng giặc Covid -19 trở về đơn vị yên bình.
Lãnh đạo Lữ đoàn 171 đến động viên cán bộ chién sĩ của đơn vị chốt chặn ở hẻm 1007 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu (Ảnh: Mai Thắng) |
Ôm bó hoa của chỉ huy đơn vị tặng trước lúc bước chân lên xe, thay mặt 102 cán bộ chiến sĩ, Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Phan Việt Hoàng, Tiểu đoàn 1 (Trường Cao đẳng Kỹ Thuật Hải quân) không kìm được xúc động. Anh bày tỏ quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với nhân dân quận Thủ Đức chặn dịch và chỉ trở về đơn vị khi cuộc sống của người dân Thủ Đức ổn định yên bình.
Còn Thiếu úy - quân nhân chuyên nghiệp Đặng Tiến Đông xúc động nói: “Giặc vô hình không tiếng đạn bom càng nguy hiểm. Nhưng dù gian khổ, hiểm nguy thế nào, nhất định chúng tôi sẽ chiến thắng trở về. Nhất định đem lại bình yên cho nhân dân thành phố”.
Cũng trong thời điểm này, 20 cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 125 Hải quân đã vận chuyển hàng trăm tấn hàng hoá, lương thực, rau quả cho nhân dân Thành phố Thủ Đức. Đây là những tấn hàng hóa từ các tỉnh thành phía Bắc chuyển vào ủng hộ TP. Hồ Chí Minh qua đường biển, mà Lữ đoàn 125 được phép là nơi trung chuyển, tiếp nhận và chuyển đi.
Thượng tá Phan Anh Tuấn, Phó Lữ đoàn trưởng cho biết, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Lữ đoàn huy động nhân lực chuyển hàng, quà tới các điểm “tâm dịch” trên địa bàn thành phố Thủ Đức cho bà con nhân dân. Không kể ngày hay đêm, cứ hàng về là bộ đội bốc lên xe và chuyển kịp thời ngay trong ngày.
Những ngày này, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa -Vũng Tàu) “căng” như dây đàn khi mà những ca nhiễm F0 chưa chấm dứt. Trước diễn biến phức tạp khó lường, để cùng nhân dân chống dịch, Lữ đoàn 171 đã điều động 20 cán bộ chiến sĩ chia làm hai tổ dưới sự điều phối lực lượng của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Vũng Tàu, tổ chức chốt chặn ở các phường 11, 10, Rạch Dừa, phường 4.
Đại úy QNCN Nguyễn Văn Chiến, nhân viên Thông tin, thuộc Tiểu đội Thông tin Phòng Tham mưu (Lữ đoàn 171) gần 2 tháng qua chưa về thăm gia đình riêng mặc dù chỉ cách đơn vị chưa đầy 3 km. Song khi biết đơn vị tham gia cùng địa phương chống dịch, Chiến xung phong cùng 19 đồng đội khác lên đường. Chốt chặn ở hẻm 1007 đường 30/4 phường 11- hẻm được coi là tâm dịch có nhiều ca F0, người dân buôn bán ở đây ra vào phức tạp, Đại úy Chiến không khỏi áp lực. Để ngăn chặn không cho người không có nhiệm vụ vào khu phong tỏa, anh và 9 đồng đội phải thay ca nhau liên tục 24/24. Ngày nắng nóng, đêm mưa lạnh, gian khổ, song các anh quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bộ đội Lữ đoàn thự chiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Văn Hùng). |
Kể từ ngày chỉ huy 10 cán bộ chiến sĩ chốt chặn chống dịch ở hẻm 1007 (tâm dịch) đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu, Thiếu tá Bùi Văn Tuyên chưa đêm nào ngủ được 5 tiếng đồng hồ. Có đêm anh và đồng đội đang chốt chặn thì phát hiện 3 thanh niên uống rượu say xông tới phá chốt đòi ra ngoài. Tuyên giải thích họ không nghe còn “xửng cồ doạ nạt”, buộc phải khống chế, bắt giữ và đưa về công an phường xử lý. Hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc trời vừa sáng. “Nhiệm vụ khá áp lực và nặng nề, nhưng anh em chúng tôi xác định tốt nhiệm vụ, hết dịch sẽ về thăm gia đình vợ con. Lúc này nhiệm vụ chống dịch là quan trọng nhất”- Thiếu tá Bùi Văn Tuyên, chia sẻ.
Nén đau thương, gác lại tình riêng
Thiếu tá Lê Công Anh, Trợ lý Quân huấn Lữ đoàn 167 (Vùng 2 Hải quân) nhận được tin mẹ đột ngột qua đời. Biết quê hương Thanh Hóa là vùng có dịch, Thiếu tá Lê Công Anh quyết định không về quê chịu tang mẹ, mà ở lại đơn vị cùng đồng đội huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Để có chỗ thắp nén hương cho người quá cố, Ban Chỉ huy Lữ đoàn 167 giải quyết cho Anh nghỉ phép đặc biệt tại gia đình riêng ở thành phố Bà Rịa. Đứng trước di ảnh mẹ trong gian nhà nhỏ, Thiếu tá Lê Công Anh mắt nhoà đi trong nỗi đau thương. Anh chỉ thầm mong cho dịch dã qua mau, cuộc sống trở lại yên bình để về quê chịu tang, dẫu có muộn màng. Thiếu tá Lê Công Anh chia sẻ, anh cũng như những quân nhân khác chấp hành mệnh lệnh của chỉ huy đơn vị. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, anh ở lại để cùng đội thực hiện nhiệm vụ. Khi hết dịch Covid-19, anh sẽ xin đơn vị về thắp hương và báo hiếu cho người mẹ quá cố của mình.
Cán bộ chiến sĩ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân hăng hái lên đường vào “tâm dịch” thành phố Thủ Đức cùng nhân dân chống dịch Covid-19. Ảnh: Hữu Tuân. |
Từ khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện ca dương tính Sars CoV-2, Thiếu tá Chu Văn Hùng, Trợ lý tuyên huấn “cắm chốt” tại Lữ đoàn 167. Giữa gia đình và đơn vị chỉ cách nhau hơn 15 km, vậy mà khi vợ sinh con, anh cũng chỉ về được 3 tuần trước khi dịch Covid-19 lần thứ tư “ập” đến, rồi “bàn giao” cho vợ để trở lại đơn vị. “Tôi ở lại đơn vị vừa chống dịch, vừa huấn luyện cùng đồng đội. Càng lúc khó khăn này, càng cần ý thức chung tay góp sức cùng chống dịch. Biết vợ một mình khó khăn trong việc nuôi con nhỏ, nhưng tôi động viên cố gắng. Lúc nhớ con, tôi nhìn qua zalo. Biết vợ khoẻ, con khoẻ là mừng rồi”- Thiếu tá Hùng chia sẻ.
Biết được nhiệm vụ của chồng trong những ngày phải ở lại đơn vị cùng đồng đội căng mình chống dịch, chị Hà Thị Hiền tự mình chăm sóc hai con nhỏ. Đứa lớn giúp mẹ lấy tã lót cho em. Lúc hai con ngủ, chị tranh thủ dọn dẹp nhà cửa thoáng mát. Sẻ chia về nỗi niềm vợ lính thời bình nhưng phải cách xa, chị Hiền bảo: “Mùa dịch Covid ai cũng cảm giác căng thẳng, áp lực. Dẫu khó khăn, vất vả hơn, nhưng phải cố gắng. Tôi ở nhà công vụ, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt còn tốt hơn những người ở nhà trọ. Những lúc này phải làm điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm công tác. Hết dãn cách, cả nhà lại đoàn viên”- chị Hiền chia sẻ qua điện thoại.
“Người dân phường 11 thành phố Vũng Tàu luôn biết ơn cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân. Vì nhân dân, họ đang oằn mình thầm lặng hi sinh. Chỉ có tình cảm quân dân thắm thiết, gắn bó keo sơn họ mới có nghĩa cử và việc làm thắm tình quân dân như vậy”- Trương Thế Hải, Quyền Chủ tịch UBND Phường 11 TP. Vũng Tàu.