Văn bản nêu rõ, ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 107/BCT- ĐTĐL đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Tiếp đó, ngày 2/3/2023, Bộ Công Thương có Văn bản số 1094/BCT- ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực và các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.
Căn cứ các văn bản hướng dẫn nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành văn bản yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên..
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất hơn 4.676 MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp). Trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, gây lãng phí tài nguyên.
Trong văn bản gửi Thủ tướng của 36 nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 nghìn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.
Tại cuộc họp mới đây giữa EVN và các chủ đầu tư nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời dở dang, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh.
Nhiều nhà đầu tư kiến nghị, Bộ Công Thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Cùng với đó, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho phép các dự án chuyển tiếp đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.
Theo các chủ đầu tư, việc cho phép huy động công suất như trên sẽ không chỉ bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã phải chờ đợi chính sách mới trong thời gian dài, mà còn tránh việc việc lãng phí tài nguyên điện sạch, nguồn lực đầu tư cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.