Kinh tế

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ năm 2023

Phương Hà 18/05/2023 - 18:01

(TN&MT) - Chiều ngày 18/5/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ để thông báo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2023. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Cuộc họp báo.

fb4c6324-b75e-456d-8ca9-4504ff209328.jpeg
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ để thông báo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2023.

Sản xuất công nghiệp, thương mại phục hồi chậm

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 tháng đầu năm, nền kinh tế  đó mặt với nhiều thách thức do chịu sự tác động nhất định từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng cản trở sự hồi phục kinh tế...

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành; tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. 

Về sản xuất công nghiệp, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 7%); ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%)...

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp có IIP giảm như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,73%), trong đó xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng 17,18%); nhập khẩu giảm 17,7% (cùng kỳ tăng 16,27%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 7,55 tỷ USD.

Về thị trường trong nước, mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ... nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy số ca nhiễm Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

8cee3c3a-564c-407b-8f13-153c9b257488.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguyên nhân suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu là do các đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử... chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhận điều, cà phê, hạt tiêu, cao su...) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng.

efca54bb-2b42-4cf2-98a1-95ae4a16d501.jpeg
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Ảnh: Q.K

Tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới

Thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu... và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Quyết liệt đột phá vào các thị trường có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay). Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn và giải pháp về tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Tại cuộc họp báo, ngoài các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại, các vấn đề liên quan đến tình hình cung cấp điện nùa nắng nóng 2023, việc triển khai Quy hoạch điện VIII,  các nút thắt ở Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn ... là chủ để nóng được các đơn vị báo chí quan tâm đặt câu hỏi cho ngành Công Thương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO