Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 14/12 xác nhận, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương |
Năm 2025, Huế sẽ trực thuộc Trung ương
Theo Nghị quyết này, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.
Đô thị Huế nhìn từ trên cao |
Nghị quyết cũng đặt ra cho tỉnh Thừa Thiên Huế một số chỉ tiêu. Trong đó, giai đoạn 2021- 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trọng tâm là các tiêu chí về văn hoá đặc sắc và đô thị đi sản. Hoàn thành việc mở rộng TP. Huế theo quy hoạch trước năm 2022.
Đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500 - 4.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 53 - 54% GRDP; công nghiệp và xây dựng 31 - 32%; nông nghiệp 7 - 9%; thuế sản phấm trừ trợ cấp sản phẩm 6 - 7%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2 - 2,2%. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 62 - 65%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56 - 57%. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 65 - 70%.
Giai đoạn 2026- 2030, tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 13-15%/năm. Đến năm 2030, GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành). Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 54 - 56% GRDP; công nghiệp và xây dựng 33 - 34%; Nông nghiệp 5 - 7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm dưới 5 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới mức trung bình toàn quốc.
Tỷ lệ đô thị hoá đạt 65 - 70%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%, 100% dân số sử dụng nước sạch. 100% các khu đô thị, 85% khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ lao động được đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 75- 80%.
Festival Huế đã gây tiếng vang trong và ngoài nước, diễn ra vào các năm chẵn |
“Thừa Thiên Huế phải đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Quy hoạch bố trí lại dân cư, sắp xếp hình thành các cụm ngành sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhanh và bền vững Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Nghiên cứu ban hành các tiêu chí đặc thù phân loại đô thị, đơn vị hành chính, mô hình đô thị phù hợp với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố độ và bản sắc văn hoá Huế...’, Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho Thừa Thiên Huế.
“Bài toán” trực thuộc Trung ương của Huế?
Nhiều năm qua, câu hỏi “tại sao Huế vẫn chưa thể trở thành TP trực thuộc Trung ương” luôn được các bộ, ban, ngành cũng như người dân, các chuyên gia... đặt ra.
Huế là thành phố di sản, từng là kinh đô của Việt Nam |
Quay ngược thời gian, năm 1996, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế trình lên Quốc hội đề án xây dựng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, điều này không được tán thành vì không thể có một đô thị trực thuộc Trung ương với đa phần diện tích, dân số là nông thôn và miền núi.
Gần đây hơn, vào năm 2009, Bộ Chính trị khoá X có Kết luận 48 về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai Kết luận trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.
Nghị quyết 54 vừa được bàn hành cũng đã nêu ra rõ những hạn chế, yếu kém trong triển khai Kết luận 48 của Thừa Thiên Huế. Cụ thể phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa thể hiện rõ bản sắc của Thừa Thiên Huế; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương" chưa đạt được…
Nền kinh tế của Huế ngày càng phát triển, tuy nhiên “bài toán” lên trực thuộc Trung ương vẫn cần thời gian |
“Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức về vị trí, vai trò của Thừa Thiên Huế cũng như giá trị văn hoá di sản trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hoá; chưa quan tâm phát triển kinh tế gắn với xây dựng và phát triển văn hoá; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách mới, đột phá, nhất là trong phát triển, kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị, di sản, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo…”, Nghị quyết mới nêu.
Đươc biết, Thừa Thiên Huế có diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,2 triệu người, sở hữu TP. Huế - Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản thế giới, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival, và là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước. Huế hiện có gần 1.000 di tích, trong đó 5 di sản nhân loại, 2 di tích đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 8 nhóm cổ vật và 32 hiện vật là bảo vật quốc gia.