Đất đai

Bình Thuận: Thoát nghèo từ giá trị tài nguyên đất

Đình Du 28/03/2024 - 12:43

(TN&MT) – Tận dụng nguồn lực đất đai, những năm qua, tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai nhiều giải pháp và đạt được kết quả khả quan trong việc giúp bộ phận người dân giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp và cải thiện được cuộc sống, tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội.

anh-2.jpg
Sử dụng quỹ đất phù hợp, Bình Thuận thành công trong việc trồng và nhân rộng cây thanh long

Triển khai nhiều giải pháp

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn được tỉnh Bình Thuận quan tâm thực hiện. Những năm qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực và đạt nhiều hiệu quả trong công tác giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Chính quyền địa phương đã triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo như tín dụng ưu đãi, khuyến khích cải tạo đất hoang hóa để trồng trọt, hỗ trợ giáo dục và nhà ở…Ngoài ra, với sự phát triển của truyền thông, người dân ngày càng hiểu biết hơn về kỹ thuật sản xuất, các mô hình hiệu quả, nhờ đó đã tự lực tự cường làm kinh tế để thoát nghèo.

Để hỗ trợ người dân trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, vừa qua, tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…giúp người dân ngày càng có điều kiện hơn trong việc sử dụng đất để sản xuất kinh doanh. Tỉnh Bình Thuận đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Hiện nay cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bình Thuận đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất, góp phần giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.

anh(1).jpg
Bàn giao nhà Đại Đoàn kết cho hộ nghèo

Hiệu quả công tác giảm nghèo

Điển hình, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên, toàn xã còn 54 hộ nghèo/3.990 hộ/16.117 khẩu theo tỷ lệ nghèo đa chiều, hiện nay thanh long đang được giá, còn vùng biển hồi sinh mạnh mẽ, điều này sẽ kéo theo sự phát triển, tạo công việc làm ngày càng nhiều, nhất là cuộc sống người nghèo sẽ được cải thiện, nâng cao, trong năm 2024, số hộ nghèo sẽ giảm sâu.

Tương tự, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam đang triển khai hướng phát triển đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Cùng với việc trồng cây thanh long, một số hộ dân trên hai địa bàn này nông dân vùng này đã dùng nguồn vốn vay phù hợp và trồng trọt thêm các ngành nghề khác như: Trồng nấm mối đen, trồng rau sạch, nuôi gà thả vườn, trồng dưa kết hợp nuôi heo rừng lai… Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất thiết thực, hiện toàn xã Thuận Quý chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 953 hộ/3.849 khẩu.

Qua nỗ lực thực hiện “phong trào thi đua vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận ngày càng phát triển, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có sự thay đổi rõ rệt, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở các vùng miền, khu vực dần thu hẹp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Chính quyền sở tại đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có thể tự tạo việc làm tại chỗ và tìm việc làm trên thị trường lao động. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở, kêu gọi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững, cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện mô hình bố trí kinh phí, ứng trước cho người nghèo có nguồn vốn để sản xuất, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, nhằm tạo đòn bẩy giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, chính sách đầu tư ứng trước được tỉnh Bình Thuận triển khai đến các hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao tại các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc.

Các hộ dân được chính quyền đầu tư ứng trước giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất xen ghép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Chương trình được triển khai từ 2016 đến nay, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất. Ngoài ra, nhờ có chương trình bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả phù hợp mà người dân những năm qua tích cực tăng gia sản xuất, thúc đẩy phát triển mạnh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bình Thuận: Tận dụng nguồn lực đất đai để giảm nghèo bền vững
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Thoát nghèo từ giá trị tài nguyên đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO