Diện tích rừng phòng hộ đang bị thu hẹp
Từ lâu nay rừng được xem là bể chứa carbon, giúp loại bớt khí thải nhà kính, tạo mảng xanh để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết các tiểu khu rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Bắc Bình đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, khai thác gỗ trái phép làm cho diện tích rừng bị thu hẹp. Tính từ năm 2013 đến nay, tại huyện Bắc Bình có 944 vụ vi phạm các quy định Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng được xác lập hồ sơ xử lý, trong đó có 915 vụ xử lý hành chính, 29 vụ khởi tố hình sự. Tổng số tiền thu phạt và bán lâm sản tịch thu gần 6 tỷ đồng.
Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận, rừng ở huyện Bắc Bình giáp với rừng của huyện Di Linh và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, bao gồm 22 tiểu khu với tổng chiều dài vùng giáp ranh khoảng trên 90 km. Tài nguyên rừng của Bắc Bình khá phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ quý như hương, trắc, sao, căm xe… Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng phá rừng làm rẫy, phá rừng lấy gỗ vùng giáp ranh thường xuyên xảy ra. Cụ thể, tại các tiểu khu 57, 58, 68, 69, 73 thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Lũy giáp ranh với các tiểu khu 678, 679 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp (tỉnh Lâm Đồng) quản lý và các tiểu khu 365, 366, 367 do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2013 UBND tỉnh đã ban hành Quy chế 1087 về việc phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh giữa huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và 02 huyện Đức Trọng, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ rừng đã tăng cường các biên pháp kiểm tra, ngăn chặn thường xuyên tình trạng chặt phá lấn chiếm đất làm rẫy và khai thác gỗ trái phép.
Bên cạnh đó, huyện Bắc Bình cũng đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành, liên tục tổ chức các đợt truy quét chống phá rừng. Tuy nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn từng lúc, từng nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện địa hình đồi núi cao, chia cắt hiểm trở và xa nên hiệu quả các đợt kiểm tra, truy quét còn thấp và khó duy trì được thường xuyên, liên tục; các đối tượng phá rừng rất manh động, liều lĩnh và sử dụng các loại phương tiên độ, chế, xe hoán cải và xe ngựa thồ để vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép.
Giải pháp ngăn chặn lấn chiếm đất, phá rừng
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trước tình hình thực tế trên, giải pháp bố trí Trạm quản lý, bảo vệ rừng liên huyện vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và 02 huyện Đức Trọng, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là giải pháp tình thế trước mắt và có thể duy trì lâu dài, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do phá rừng gây ra; góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện còn, phát huy tính năng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái. Đồng thời, tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe và xử lý các tình huống vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triền rừng tại vùng giáp ranh.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 1179 về phê duyệt Đề án thành lập Trạm quản lý, bảo vệ rừng liên huyện, vùng giáp ranh của huyện Bắc Bình. Theo đó, Trạm quản lý có 14 người, trong đó, tỉnh Bình Thuận có 07 người, tỉnh Lâm Đồng có 07 người. Trạm được đặt tại tiểu khu 57, thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Lũy, thuộc địa giới hành chính xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Trạm có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp xử lý vi phạm, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp vùng giáp ranh của xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng và Tam Bố, huyện Di Linh. Trạm sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/6/2019.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao UBND huyện Bắc Bình cần tăng cường chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra truy quét chống phá rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt là các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác trái phép lâm sản vùng giáp ranh; vùng nội huyện, nhất là tại lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Lũy. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn phối hợp kịp thời với các trạm bảo vệ rừng của chủ rừng tổ chức kiểm tra rừng theo Quy chế phối hợp số 1087 ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Mặt khác, yêu cầu các đơn vị chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp chống phá rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, có kế hoạch khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng và trồng lại rừng trên đất bị phá, bị lấn chiếm. Chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng chủ động bám rừng, kiểm tra, ngăn chặn hoặc phối hợp nhất là các khu vực có nguy cơ phá rừng cao, khu vực còn nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế. Tiếp tục yêu cầu các xã như Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến cần chỉ đạo công an, địa chính xã phối hợp kiểm tra, xác minh, quy chủ và kiên quyết xử lý các vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; xóa bỏ các tụ điểm tàng trữ, kinh doanh, chế biến lâm sản, động vật rừng trái phép...