Bình Thuận: Nhiều giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển

Linh Nga| 08/11/2020 16:50

(TN&MT) - Để quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, tỉnh Bình Thuận đã và đang tăng cường triển khai các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển.

Nhiều khu vực ven biển Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch

Kiểm soát chặt nguồn thải ra biển

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có tổng diện chiều dài bờ biển là 192 km, với diện tích vùng biển  khoảng 52.000 km2, có 11 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quý là cơ sở hậu cần, chuyển tiếp cho các hoạt động về kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ... Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nhiều khu vực ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch…

Với những lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên biển nhằm phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, tỉnh đã tổ chức rà soát cơ cấu sử dụng đất vùng ven biển; lập quy hoạch sử dụng đất ven biển nhằm sử dụng đất hợp lý, phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng;

Trong thời gian qua, các địa phương ven biển Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình đồng quản lý tài nguyên, sinh cảnh tại vùng bờ, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế, nâng cao khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư ven biển. Điển hình như các dự án: Mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi Điệp quạt (Ch.nobilis) tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong;  dự án xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý Sò Lông (Anadara antiquata line) góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Đặc biệt, theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp từ vùng biển ven bờ như các khu dịch vụ, du lịch…dọc theo bờ biển; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Thực hiện nghiêm quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với  các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo. Trong đó, đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của tỉnh có nguồn thải ra biển, cơ quan quản lý môi trường các cấp của tỉnh tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các Chủ đầu tư thực hiện công tác bảo vệ môi trường sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt và trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản ven biển, các cảng cá được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ cơ sở phải thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng rác thải tại nhiều khu vực bãi biển trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 28/11/2018 về quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bình Thuận quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng dân cư trong việc kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển nhằm chủ động, kịp thời trong công tác kiểm soát, xử lý rác biển trôi dạt vào bờ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận với mục tiêu quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định các vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương; đang tiến cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển với 53 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó phần đất liền có 50 khu vực, tổng chiều dài hành lang bảo vệ bờ biển là 113,01 km.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quản lý

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bờ biển, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn do diễn biến của BĐKH những năm gần đây ngày càng phức tạp, thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra, tình trạng sạt ở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, sa mạc hóa đang có cường độ mạnh hơn…

Công trình bảo vệ bờ biển tại huyện đảo Phú Quý, góp phần ổn định đời sống của dân cư ven biển

Ngoài ra, một số quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên ven biển chưa hợp lý và thiếu đồng bộ; việc xây dựng chính sách cụ thể khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển còn hạn chế. Ý thức và trách nhiệm về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trước thách thức của BĐKH chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương còn rất mỏng, chưa thể đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra…

Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.  Trong đó, Bình Thuận sẽ tập trung nâng cao giá trị sử dụng đất ven biển; xây dựng và thực hiện Quy hoạch phân vùng, sử dụng tài nguyên và môi trường biển của tỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định: Trong bối cảnh vùng bờ tỉnh Bình Thuận dễ bị tổn thương do các nguy cơ như sạt lở, bão lũ, ngập lụt, nước biển dâng, Bình Thuận sẽ tập trung các giải pháp nhằm  kịp thời đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ biển theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, giải quyết và đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án lớn đang triển khai tại các khu vực ven biển của tỉnh theo quy định, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Nhiều giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO