Bình Thuận: Nguồn nước ven biển đã khai thác quá mức

02/04/2018 18:32

Hơn 10 năm nay, việc gia tăng khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất ở khu vực ven biển Bình Thuận đã đến mức cảnh báo, nhất là quá trình phục vụ khai khoáng,...

Hơn 10 năm nay, việc gia tăng khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất ở khu vực ven biển Bình Thuận đã đến mức cảnh báo, nhất là quá trình phục vụ khai khoáng, chế biến titan; tiếp đó cung cấp hoạt động ngành du lịch, chế biến hải sản... Dự báo cầu vượt cung đang diễn ra.
Bình Thuận: Nguồn nước ven biển đã khai thác quá mức
Khai thác titan cần nhiều nguồn nước
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tổng lượng nước khai thác khoảng 100.000 m3/ ngày trên toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở vùng cát ven biển. Tài nguyên nước dưới đất khu vực này chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện về trữ lượng khai thác và xây dựng phương án phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng. Trong khi, tình trạng khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp khai thác titan thời gian dài cũng không kiểm soát chặt chẽ (theo tính toán, tách 1 m3 cát quặng cần khoảng 3 m3 nước), nguy cơ mất cân bằng nguồn nước trong toàn vùng…
 
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, chỉ tính khu vực ven biển từ Mũi Né (TP. Phan Thiết) đến Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) đã thiếu nguồn nước mặt, nước ngầm cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thập niên tới nếu như không có quy hoạch, phân vùng khai thác, sử dụng nước hợp lý. Bởi thế, một dự án xin khai thác titan khu vực Mũi Đá 1, phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép khai thác, nhưng UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị chuyển dự án ra Hòa Thắng (Bắc Bình), bởi nguồn nước ở Phú Hài rất hạn chế, không thể đáp ứng hoạt động khai thác titan, chưa nói đến ảnh hưởng môi trường du lịch… Thực tế, các doanh nghiệp khai thác titan trước nay ở tỉnh Bình Thuận đã làm thay đổi bề mặt địa hình nhiều cồn cát ven biển, thứ tự địa tầng các lớp cát cũng hoàn toàn bị xáo trộn so ban đầu; rừng phòng hộ ven biển suy giảm, không còn lớp thực vật che phủ.
 
Để khắc phục, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, sở đã hoàn chỉnh dự án “Quy hoạch nước dưới đất vùng cát ven biển, kết hợp các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác tuyển quặng ti tan, giai đoạn đến năm 2025”. Phạm vi vùng quy hoạch gồm toàn bộ diện tích vùng cát, đồng bằng, cửa sông, ven biển từ huyện Tuy Phong đến huyện Hàm Tân, với tổng diện tích tự nhiên 3.200 km2. Mục tiêu dự án đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trong vùng quy hoạch; dự báo những tác động tới chất lượng nguồn nước trong khu vực khai thác titan, nhu cầu sử dụng nước ngầm theo từng thời đoạn; quy hoạch phân bổ và bảo vệ nước dưới đất trên các vùng cát ven biển Bình Thuận…

Qua đó, Sở Tài nguyên & Môi trường đề xuất các biện pháp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất ở các khu vực, giải quyết nhu cầu sử dụng nước mặt khai thác titan theo hướng cân đối nguồn nước dồi dào từ các công trình thủy lợi trong khu vực. Hiện nay, sở tuân thủ chỉ đạo của tỉnh “nơi nào không có đủ nguồn nước mặt thì không đưa vào quy hoạch titan”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Nguồn nước ven biển đã khai thác quá mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO