Có dịp ngắm bình minh trên đầm Châu Trúc, ta mới thưởng ngoạn được hết vẻ đẹp hoang dã mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Mặt nước đầm mênh mông làm chiếc gương soi khổng lồ cho những hàng dừa ven bờ xõa tóc đu đưa trong cơn gió nhè nhẹ thổi từ ngoài biển vào. Mây trên cao xa kia như cũng muốn làm thân khi cứ sà xuống cuồn cuộn in đáy nước. Loài chim bói cá cũng bắt đầu một ngày mới đi săn mồi chao đôi cánh là là mặt nước lúc mặt trời sắp nhô lên. Những chiếc sõng (ghe hẹp) sau một đêm đánh bắt thủy sản nằm sõng soài lô nhô nhè nhẹ theo con sóng nhỏ lăn tăn xô bờ. Mặt đầm bắt đầu một ngày mới đẹp chẳng khác gì bức tranh thủy mặc khi thu vào mình cả đất trời cây cỏ.
Dạo quanh Châu Trúc trong một ngày nắng đẹp, ta được hòa mình vào thiên nhiên khi thoát khỏi sự náo nhiệt, ồn ào của phố thị. Ngũ giác ta có những phút giây chùng lại, thư giãn sau bao tháng ngày mệt mỏi với nhịp sống hiện đại. Dừng chân ven bờ đầm, thả ánh nhìn nơi ngút ngàn tầm mắt, ta hít căng lồng ngực những làn hơi nước mát rười rượi bốc lên như thấm vào từng tế bào trên cơ thể. Còn nếu có dịp được ngồi trên những chiếc sõng hay thuyền câu lênh đênh trên mặt đầm, sẽ như được trôi giữa những bao la bãi bờ. Những thảm cỏ xanh mượt, những lau sậy ven bờ đầm cứ lùi dần xa trong tiếng mái dầm khỏa nước êm ru của những ngư phủ. Ta được đắm mình trong cái mênh mang của đất trời. Thú vui giản đơn ấy nhưng lại là niềm ao ước của biết bao người khi guồng quay cuộc sống cứ mãi cuốn ta đi.
Quanh khu vực đầm, những con đường liên xã được nâng cấp phẳng lì làm cho việc lưu thông giờ thêm dễ dàng hơn. Từng nhóm người tà tà xe đạp vừa thể dục buổi sáng vừa tranh thủ đón bình minh khiến cho khung cảnh ban mai thêm chút rộn ràng. Châu Trúc đã cựa mình đón mặt trời lên như thế.
Được tận mắt chứng kiến cách khai thác nguồn lợi thủy sản khi đến đầm Châu Trúc chắc hẳn là một trải nghiệm thú vị cho những ai chưa từng lớn lên trên ruộng đồng, sông nước. Với hơn 1.200ha diện tích mặt nước, Châu Trúc là nơi cư ngụ, sinh sôi của rất nhiều loài thủy sản. Từ bao đời không biết nữa, những con người chân chất ven đầm bám chặt lấy nơi đây làm kế sinh nhai. Khi hoàng hôn dần buông là lúc những chiếc sõng chất đầy ngư cụ rẽ nước đầm tìm nơi đánh bắt. Hàng ngàn chiếc dẹp (rọ tôm) lặng lẽ đắm mình trong nước trước khi những tia nắng cuối ngày khuất hẳn nơi dãy núi phía Tây. Những chồng lờ được kéo dài ra cắm vào lòng đầm đón luồng đi ăn của những đàn tôm cá. Lúc màn đêm phủ xuống, mặt đầm le lói ánh đèn của ngư phủ di chuyển lặng lẽ. Họ lặn lội thân cò, thân vạc mưu sinh trên đầm khi mọi người đã ngon giấc với hy vọng trở về lúc bình minh là thành quả thu được có thể trang trải cho cuộc sống. Chỉ khi ấy, bình minh ven bờ Châu Trúc mới thoát ra khỏi vùng tĩnh lặng và trở nên xôn xao đón những chiếc thuyền câu trở về nặng tôm cá. Những con tôm nước ngọt nhỏ bằng ngón tay út búng tanh tách trong lòng sõng, mớ cá đầm tươi rói còn lấp lánh ánh bạc trước tia nắng đầu ngày xòe rẻ quạt chiếu vào, làm sáng một vùng mặt đầm còn bàng bạc hơi sương.
Thứ thủy sản đặc trưng của đầm sẽ tỏa đi quanh vùng để những thực khách tới đây một lần thưởng thức là nhớ mãi không quên. Trong số những món ăn được chế biến từ sản vật của đầm Châu Trúc phải kể đến món bún tôm gắn với vùng đất Phù Mỹ. Ngày xưa, lúc nông nhàn hay tiết trời mưa gió, người dân quanh đầm giã lập dập mớ tôm tươi đánh bắt được rồi đem quậy với nước bún tự ép làm thành món ăn cho vui những ngày mưa trói chân không đi đâu được. Vậy rồi lâu dần thành món ăn đặc sản của xứ này khi nó được chế biến cầu kỳ hơn. Với bún tôm, thực khách được ăn bằng mắt lẫn miệng khi mà mọi khâu chế biến đều diễn ra trước mặt. Bún được ép thủ công. Nước luộc bún đang sôi cho vào tô quậy cùng với thịt tôm tươi giã nhuyễn. Rắc chút hành ngò, hạt tiêu là có ngay tô bún tôm ngọt lịm. Thực khách có thể thêm chút muối ớt hay mắm tôm tùy thích. Miếng bánh tráng nướng giòn nhai rôm rốp nghe thật vui tai khi ăn kèm với bún. Ta cảm nhận được nơi đầu lưỡi vị ngọt thơm của thứ tôm đầm quyện cùng với bún gạo tươi trong tô bún còn bốc khói nghi ngút. Thực khách miệng hít hà theo những thìa bún cay nóng, còn mồ hôi thì rịn ra sảng khoái. Món bún tôm cứ thế theo những người dân quanh đầm mà có mặt khắp nơi, trong những bước chân mưu sinh trên vạn dặm nẻo đường.
Nhắc đến đầm này, không thể quên được con chình mun mà sau tên gọi của nó còn thêm chữ Châu Trúc để phân biệt loài thủy sản ngon nức tiếng của vùng. Món chình om chuối, chình nướng muối ớt, chình kho tiêu, nhúng mẻ... chỉ cần thưởng thức một lần, chắc chắn nó sẽ được lưu vào bộ nhớ trong não bộ của thực khách. Tôi có dịp ngồi cùng mấy người bạn ngay trên bờ đầm lúc chiều buông, nhấm nháp món chình mun và cá lóc đầm nướng trui. Đúng là trăm nghe không bằng một... thử. Nó phải được sánh vào hàng “tiến vua” chứ chả chơi. Đưa miếng chình mun vào miệng mà không nỡ ăn vì... uổng quá. Nào ngọt béo thơm dai quyện trong từng thớ thịt chình. Rượu Mỹ Thọ, thứ tửu cầu vượt cung này rót ra sóng sánh đeo cườm ở miệng ly nhâm nhi cùng món chình mun cho ta cảm giác tê mê nơi đầu lưỡi, cộng với cảm giác bồng bềnh khi phóng tầm mắt ra mặt đầm loang loáng nước về đêm. Rồi chợt nghĩ đến một ngày, có tiền chưa chắc đã được ăn món ngon bổ dưỡng này vì sự đánh bắt, can thiệp tự nhiên quá đà làm nguồn thủy sản cứ dần cạn kiệt, miếng cá trong miệng cũng tự nhiên đắng chát.
Đón bình minh trên đầm Châu Trúc, ta mong sao một ngày nào đó nơi đây sẽ trở thành điểm đến thú vị trong bản đồ du lịch của Bình Định, để du khách thập phương có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp và sản vật của vùng đầm nước bao la này. Lòng ta cũng tràn đầy hy vọng bình minh Châu Trúc sẽ mãi giữ nét đẹp hoang sơ và là nơi sinh sôi nảy nở an toàn của nhiều loài thủy sản khi chúng ta biết khai thác, gìn giữ một vùng sinh thái quý giá mà thiên nhiên ban tặng.