Bình Dương: Triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn

02/08/2017 00:00

(TN&MT) – Nhằm tránh lãng phí tài nguyên, thiên nhiên; giảm chi ngân sách cho việc thu gom, xử lý chất thải…; tiến tới kiện toàn hệ thống quản lý...

 

(TN&MT) – Nhằm tránh lãng phí tài nguyên, thiên nhiên; giảm chi ngân sách cho việc thu gom, xử lý chất thải…; tiến tới kiện toàn hệ thống quản lý chất thải;UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 458/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018.

Quy trình phân loại và xử lý CTR sinh hoạt tại nguồn ở Bình Dương
Quy trình phân loại và xử lý CTR sinh hoạt tại nguồn ở Bình Dương

Trong thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, tỉnh Bình Dương đã được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả, kinh tế - xã hội của Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm 2016 tăng 08 lần so với năm 2005.

Bên cạnh lợi ích mang lại lợi ích từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh là hệ quả của quá trình phát triển như: lượng chất thải gia tăng (nước, khí thải và CTR); sự suy giảm chất lượng nguồn nước, đất, không khí. Trong đó, vấn đề CTR ngày càng trở nên bức xúc, đặc biệt là CTR sinh hoạt, số liệu thống kê cho thấy, lượng CTR đã tăng 2,5 lần so với năm 2010.

Nhận thức được hệ quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ năm 2004, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án kiện toàn hệ thống quản lý CTR trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, Bình Dương đã tập trung xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Việc sớm đầu tư công nghệ xử lý phù hợp và kiện toàn hệ thống thu gom CTR đã giúp cho tỷ lệ thu gom CTR tăng dần qua các năm. Tính đến nay, tỷ lệ CTR đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt 90%. Trong đó, tỷ lệ tái chế làm phân compost đạt 40%, điều này đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bình Dương.

Hiện nay, tất cả các loại CTR sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của người dân được bỏ chung và được thu gom bởi hệ thống thu gom CTR sinh hoạt của tỉnh Bình Dương, bao gồm hai đối tượng: hệ thống các tổ rác dân lập, các công ty tư nhân và các xí nghiệp công trình công cộng. Các đối tượng này trực tiếp thu gom từ nguồn phát sinh hoặc tiến hành trung chuyển chất thải từ các trạm trung chuyển. Hình thức thu gom hiện nay không thống nhất mà tùy theo từng địa bàn.

Hiện các tổ chức, cá nhân có phát sinh CTR đóng phí vệ sinh cho đơn vị thu gom theo Quyết định số 64/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc quy định mức thu phí vệ sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương. Chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý hiện nay hầu hết vẫn được bù đắp từ nguồn ngân sách của tỉnh với tổng chi hàng năm: năm 2013 là 163,162 tỷ đồng, năm 2014 là 218,030 tỷ đồng, năm 2015 là 252,452 tỷ đồng.

Nhìn chung, công tác quản lý CTR sinh hoạt của tỉnh Bình Dương đã từng bước đi vào nề nếp, nhận thức của người dân về CTR đã được nâng lên, hệ thống thu gom, vận chuyển đã hình thành và ngày càng phát huy tác dụng; công nghệ xử lý phù hợp và đáp ứng các chủ trương chính sách của Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý CTR của tỉnh còn nhiều vần đề phải giải quyết như sau:

Hệ thống quản lý CTR từ cấp tỉnh đến địa phương chưa hoàn thiện; một bộ phận dân cư chưa tự giác trả chi phí cho dịch vụ thu gom vận chuyển; chất thải chưa được phân loại trong các hộ gia đình; CTR sinh hoạt từ hộ gia đình còn lẫn với CTR công nghiệp… Các tồn tại này đã làm tăng chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý; đồng thời, gây lãng phí tài nguyên, thiên nhiên; nhà nước phải chịu ngân sách rất lớn cho việc thu gom, xử lý chất thải.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương vào năm 2020, đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà Chính phủ đã đặt ra việc triển khai Kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 – 2018 là hết sức cần thiết. Kết quả của Kế hoạch thí điểm sẽ là cơ sở để kiện toàn hệ thống quản lý chất thải, đồng thời là cơ sở để tổ chức triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương.

Mục tiêu của Kế hoạch thí điểm là nhằm xác định mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trong đó tập trung xác định các mô hình phân loại CTR sinh hoạt phù hợp để từ đó triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Chính phủ để ra.

Và xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan có thể gây khó khăn đến việc triển khai phân loại CTR tại nguồn, từ đó có các giải pháp vể cơ chế, chính sách, giải pháp kinh tế - kỹ thuật; xác định khả năng kinh tế hóa ngành thu gom vận chuyển CTR sinh hoạt theo hướng tự thu, tự chi theo hướng xã hội hóa nhằm giảm chi ngân sách cho hoạt động này; nâng cao nhận thức của người dân, qua đó xây dựng và hình thành thói quen, nếp nghĩ của người dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương chịu trách nhiệm điều phối chung về Kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; chủ trì, tổ chức biên soạn tài liệu, in ấn, ghi âm, tổ chức tập huấn; xây dựng và ban hành quy định về phân loại rác tài nguồn; xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán kinh phí thực hiện thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đối với các tổ chức theo Kế hoạch này.

Song song đó, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đối với tổ chức; tổ chức giám sát hoạt động thu gom, phân loại tại nguồn của các tổ chức; tổ chức sơ kết, tổng kết chi tiết của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng hợp báo cáo tổng kết Kế hoạch thí điểm phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO