Bình Dương: Tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai
(TN&MT) - Sở TN&NT Bình Dương đã và đang tập trung triển khai thực hiện việc xây dựng, vận hành, liên thông, kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ), từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung, nhất là công tác quản lý về đất đai nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thường xuyên cập nhật
Theo Sở TN&MT Bình Dương, CSDLĐĐ tỉnh Bình Dương được vận hành tập trung tại Sở TN&MT bởi Phần mềm ViLIS 2.0 được thiết kế các chức năng theo các yêu cầu đặc thù quản lý, sử dụng đất đai của tỉnh Bình Dương, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc khai thác, sử dụng, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính vào cơ sở dữ liệu địa chính (CSDLĐC). Qua thời gian cập nhật, chỉnh lý biến động CSDLĐC, tính đến ngày 31/10/2024, cơ sở dữ liệu thuộc tính địa chính hiện có khoảng 1.349.021 thửa đất. Theo đó, cấu trúc cơ sở dữ liệu bao gồm các nhóm trường thông tin chủ yếu như: Dữ liệu thửa đất và người sử dụng đất; dữ liệu mục đích sử dụng đất và nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất; dữ liệu nghĩa vụ tài chính và về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dữ liệu lịch sử những biến động lịch sử của thửa đất.
Đến nay, công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực đất đai của Sở TN&MT Bình Dương đạt 100% theo quy định. Sở TN&MT cũng đã xác định rõ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là cơ sở quan trọng để làm giàu dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu điện tử, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp thành phần hồ sơ đã số hóa, phục vụ việc chuyển đổi số nói chung và trong giải quyết TTHC nói riêng, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện giao dịch TTHC trực tuyến bằng hồ sơ điện tử thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại các cơ quan Nhà nước bằng hồ sơ giấy, nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh Bình Dương.
Sở TN&MT Bình Dương cũng đã cập nhật, chỉnh lý, bổ sung hoàn chỉnh và đưa vào vận hành một bộ Bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh. Bản đồ này là hệ thống file bản đồ địa chính được chia sẻ, phân quyền và sử dụng thống nhất ở cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi ngành TN&MT tỉnh. Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương cùng cập nhật các biến động trên một nền bản đồ duy nhất nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính kịp thời các biến động đất đai,… Qua thời gian cập nhật, chỉnh lý biến động CSDLĐC, tính đến ngày 31/10/2024, hệ thống Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã cập nhật được khoảng 1.292.982 thửa đất và cũng đã được đưa vào cơ sở dữ liệu không gian.
Về Bản đồ địa chính dùng chung, đã cập nhật, chỉnh lý, bổ sung hoàn chỉnh và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh - là hệ thống file bản đồ địa chính được chia sẻ, phân quyền và sử dụng thống nhất ở hai cấp tỉnh và huyện trong phạm vi ngành TN&MT tỉnh, trên định dạng DGN theo chuẩn bản đồ địa chính - trên hệ thống phần mềm FAMIS. Việc cập nhật bản đồ địa chính dùng chung được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm TortoiseSVN - có sự phân quyền đăng nhập cho từng cán bộ chịu trách nhiệm cập nhật chỉnh lý biến động bản đồ. Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cùng cập nhật các biến động trên một nền bản đồ duy nhất nhằm đảm bảo tính thống nhất, kịp thời của các biến động đất đai, tránh việc trùng thửa đất.
Khai thác hiệu quả
Hiện tại, CSDLĐC đã được Sở TN&MT Bình Dương quản lý, sử dụng hàng ngày, phục vụ cho công tác chuyên môn gắn với việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Còn cơ sở dữ liệu tập trung được quản trị, phân quyền tác nghiệp đến từng người dùng thuộc Sở TN&MT, các phòng ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Riêng Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện cập nhật dữ liệu đất tổ chức, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện cập nhật dữ liệu đất hộ gia đình, cá nhân; các dữ liệu này cũng được cập nhật trực tiếp vào CSDLĐC thông qua đường truyền mạng số liệu chuyên dụng tới hệ thống máy chủ đặt tại Sở TN&MT. Từ đó, cán bộ ngành TN&MT tỉnh từ cấp huyện đến cấp tỉnh được sử dụng chung một bộ Bản đồ địa chính số tập trung, duy nhất và được cập nhật biến động thường xuyên, liên tục.
Qua thời gian triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai đã đạt được kết quả nhất định. Việc luân chuyển hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính được thuận tiện, chính xác, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Từ ngày 30/12/2015 đến nay, đã thực hiện chuyển được khoảng 608.528 phiếu chuyển điện tử thành công và nhận lại được 606.542 thông báo thuế điện tử; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện tốt Quy chế phối hợp Quy định về phương thức trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của cá nhân, hộ gia đình giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai.
Đến nay, CSDLĐC tỉnh Bình Dương đã liên thông thuế theo hình thức điện tử giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai. Cụ thể, thực hiện việc kết nối, liên thông giữa phần mềm ViLIS với hệ thống thông tin một của điện tử tỉnh và chia sẻ Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), chia sẽ dữ liệu không gian thửa đất cho hệ thống GIS - Sở Xây dựng thông qua trục LGSP của tỉnh. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai việc chia sẻ thông tin từ CSDLĐC cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh phục vụ việc tự động điền biểu mẫu điện tử tương tác (eForm) khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã hoàn thành việc kết nối CSDLĐĐ và cơ sở dữ liệu về dân cư qua Bộ TN&MT để phục vụ cắt giảm cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính về cư trú.
Tiền đề quan trọng
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Hiện nay, CSDLĐĐ được xây dựng đồng bộ, tập trung cho tất cả 91 xã, phường, thị trấn; đặc biệt, thành phần, cấu trúc CSDLĐĐ được xây dựng đầy đủ, đúng theo các quy định hiện hành của Bộ TN&MT. Việc đưa vào vận hành CSDLĐĐ cũng đã giúp cho công tác quản lý của ngành TN&MT tỉnh đạt được một số thành tựu như: là nền tảng để tiến tới xây dựng hoàn chỉnh CSDLĐĐ theo đúng quy định; góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa ngành TN&MT tỉnh; đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính, phục vụ đắc lực, hiệu quả việc kê khai, đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ cá nhân và tổ chức ở nhiều mức độ khác nhau; làm cho các hoạt động của ngành TN&MT tỉnh Bình Dương ngày càng minh bạch, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng như tiếp cận các dịch vụ công.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã xây dựng được bộ CSDLĐC đầy đủ cho tất cả các đơn vị hành chính cấp xã; hoàn chỉnh theo đúng các quy định hiện hành. Đây chính là điều kiện cần thiết và quan trọng nhất để tỉnh Bình Dương là một trong 5 năm tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước triển khai, ứng dụng liên thông thuế theo hình thức điện tử giữa cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký đất đai; góp phần giảm thời gian thực hiện, giảm sự chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc luân chuyển hồ sơ giữa hai cơ quan trên được thuận lợi hơn, rút ngắn được thời gian thực hiện từ 1 - 3 ngày làm việc; là tiền đề quan trọng cho mục tiêu xây dựng một Trung tâm CSDLĐĐ cấp quốc gia mà Bộ TN&MT đã đề ra.
Hiện nay, ngoài việc đang phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện CSDLĐĐ theo quy định tại Quyết định số 2178/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương” và chuẩn hóa cấu trúc cơ sở dữ liệu theo quy định về kỹ thuật CSDLĐĐ hiện hành; Sở TN&MT Bình Dương còn kiến nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thành, đào tạo và chuyển giao thống nhất một phần mềm ứng dụng, vận hành CSDLĐĐ chung cho các địa phương trong cả nước; đồng thời, xem xét, hỗ trợ Sở TN&MT Bình Dương trong công tác nâng cấp phần mềm ViLIS để vận hành, khai thác CSDLĐĐ và hỗ trợ chuyển đổi chuyển đổi cấu trúc CSDLĐC Bình Dương hiện hành sang cấu trúc CSDLĐĐ theo quy định hiện hành.