Quan tâm cải cách hành chính
Sở TN&MT Bình Dương đã sớm ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 gắn với thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của ngành TN&MT. Đồng thời, Sở TN&MT đã tiến hành tự đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2019, giải trình và cung cấp đầy đủ tài liệu kiểm chứng theo quy định; thực hiện tổng kết kết quả thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và đề ra giải pháp, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030 theo Kế hoạch số 1374/KH-UBND ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh Bình Dương; phân tích, đánh giá kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 có liên quan đến lĩnh vực TN&MT.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác dân vận, thực hiện “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện” năm 2020; ban hành và triển khai Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận một cửa theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tại Sở TN&MT; xây dựng Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực TN&MT qua dịch vụ bưu chính công ích; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông rà soát và thống nhất để đăng ký dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Theo đó, Sở TN&MT Bình Dương đã đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 27/88 thủ tục hành chính.
Sở TN&MT Bình Dương có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường của tỉnh, hướng tới phát triển bền vững |
Sở TN&MT Bình Dương còn xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin ngành TN&MT năm 2020; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Địa chính Khu vực phía Nam để hoàn thiện đề cương và dự toán dự án “Xây dựng hệ thống kết nối một cửa điện tử tỉnh Bình Dương”; triển khai luân chuyển hồ sơ trên Trang Dịch vụ công Quốc gia; giám sát toàn bộ hệ thống đường truyền và xử lý các sự cố hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng Hệ thống máy chủ vận hành dữ liệu ngành TN&MT phục vụ phát triển thành phố thông minh tỉnh Bình Dương”.
Tăng cường quản lý đất đai
Sở TN&MT đã tham mưu kịp thời trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của cấp huyện làm cơ sở thực hiện các thủ tục đất đai có liên quan; đôn đốc cấp huyện nhanh chóng triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025) theo quy định; trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Phương án và Dự toán thực hiện theo Kế hoạch kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương đã báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai về kết quả hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội.
Sở TN&MT Bình Dương còn thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được 2.053 hồ sơ với 1.820 Giấy chứng nhận, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế đến nay công tác cấp Giấy chứng nhận trên toàn tỉnh Bình Dương ước đạt tỷ lệ 99,86% tương ứng diện tích hơn 243.356 ha. Trong đó, diện tích cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức là hơn 97.688 ha đạt 99,66% so với diện tích cần cấp và hộ gia đình, cá nhân đạt 99,99% tương ứng với diện tích hơn 145.667 ha; thực hiện các hoạt động về đo đạc và bản đồ được 67.120 hồ sơ, giảm 9% so với cùng kỳ; công tác cấp Giấy chứng nhận khác như chỉnh lý, cấp lại... được 118.461 hồ sơ với 137.188 Giấy chứng nhận, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Sở TN&MT Bình Dương thực hiện theo kế hoạch đối với 16 công trình; đồng thời, thực hiện giải ngân hơn 148 tỷ đồng, đạt 18% so với kế hoạch vốn giao năm 2020 là 828 tỷ đồng; tổ chức chi trả tiền bồi thường các công trình với số tiền hơn 304 tỷ đồng theo kế hoạch vốn năm 2019 - 2020. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ hơn 148 tỷ đồng; giải quyết nội dung kiến nghị về đơn giá bồi thường, chính sách bồi thường cho 58 trường hợp, đang phối hợp giải quyết 85 trường hợp; bàn giao 312 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chỉnh lý cho các hộ dân đã nhận tiền; bàn giao mặt bằng cho 644 trường hợp cho chủ đầu tư để triển khai thi công.
Chú trọng kiểm soát môi trường
Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường luôn được Sở TN&MT chú trọng nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả, thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành TN&MT được UBND tỉnh Bình Dương giao năm 2020. Sở TN&MT đã triển khai kế hoạch Lập báo cáo môi trường chiến lược cho Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; tổ chức cùng các ngành liên quan góp ý về việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.
Sở TN&MT Bình Dương đã giám sát phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với 12 tổ chức cá nhân dọc theo tuyến Quốc lộ 13 và các địa phương trong kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời, trình UBND tỉnh, báo cáo tổng kết kết quả thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018, kế hoạch thực hiện năm 2020. Ngoài ra, Sở TN&MT còn kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo báo cáo đánh giá tác động môi trường 11 dự án, trong đó, cấp Giấy xác nhận cho 7 dự án, lũy kế đến ngày 1/6/2020, đã xác nhận được 75 doanh nghiệp.
Sở TN&MT Bình Dương đã phát hành thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cho 494 doanh nghiệp, tổng số thu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 2,64 tỷ đồng, đạt 33% so với kế hoạch; trả lời báo cáo kết quả quan trắc môi trường quý 3, quý 4/2019 và quý 1/2020 và kế hoạch quan trắc môi trường đối với 806 doanh nghiệp; báo cáo quản lý chất thải nguy hại năm 2019 đối với 563 doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì ổn định hoạt động quản lý và vận hành 97 trạm quan trắc, trong đó, có 95 trạm đã được lắp đặt thiết bị đo chất lượng nước thải tự động, kết quả quan trắc đa số các trạm đều đạt quy chuẩn cho phép.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai chương trình công tác của ngành TN&MT và phát động phong trào thi đua theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020; đánh giá, phân tích và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (Par Index) của Sở TN&MT năm 2019 và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Bình Dương năm 2019 liên quan lĩnh vực ngành TN&MT. Sở TN&MT cũng sẽ thực hiện khảo sát đánh giá mức độ hài lòng tại Bộ phận một cửa theo quy định; tổng kết kết quả thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện” giai đoạn 2016 - 2020 theo kế hoạch.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở TN&MT đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thường xuyên theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án của ngành TN&MT; tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong công tác giải tỏa đền bù các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hướng dẫn cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của ngành TN&MT. Qua đó, Sở TN&MT đã hoàn thành đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch đề ra.
Sở TN&MT Bình Dương sẽ duy trì và đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động và vận hành ổn định, liên tục; hoàn thiện điều chỉnh, bổ sung “Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống mạng máy tính ngành TN&MT và hệ thống hộp thư điện tử thuộc Sở TN&MT”; nghiệm thu hoàn thành các dự án năm 2020: chỉnh lý tài liệu lưu trữ, số hóa tài liệu lưu trữ năm 2020; kịp thời cung cấp thông tin tài liệu lưu trữ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn đối với công tác thuộc lĩnh vực hoạt động lưu trữ như: thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, bảo quản, thống kê, số hóa…
Đặc biệt, Sở TN&MT Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các ngành, các cấp về TN&MT; thường xuyên rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật theo thẩm quyền để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra; tiếp tục đổi mới, cải tiến phong cách lãnh đạo, phương thức chỉ đạo điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt được hiệu quả thực chất; tăng cường bám sát, chỉ đạo, kiểm tra, xử lý kịp thời công việc hàng ngày để đẩy nhanh tiến độ; phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.