PV: Xin ông cho biết kết quả đạt được trong công tác kiểm kê đất đai của Sở TN&MT - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Kiểm kê đất đai năm 2019 của tỉnh Bình Dương?
Ông Phạm Xuân Ngọc:
Hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2019 giúp cho tỉnh Bình Dương xác định được hiện trạng diện tích quỹ đất tự nhiên của các đơn vị hành chính, hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng và quỹ đất chưa đưa vào sử dụng đến thời điểm 31/12/2019; đánh giá được thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai đoạn năm 2015 - 2019.
Ông Phạm Xuân Ngọc - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương |
Đồng thời, giúp tỉnh Bình Dương đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước. Qua đó, tỉnh Bình Dương sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021 - 2030 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, trong kỳ kiểm kê đất đai năm 2019, tỉnh Bình Dương còn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ, Bộ TN&MT giao, như: Kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa; đồng thời, kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng đất của các Ban Quản lý rừng và các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp; kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh.
Và kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn; kiểm kê hiện trạng sử dụng đất các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Kết quả cũng giúp tỉnh Bình Dương đánh giá được tình hình quản lý, sử dụng đất của các đối tượng nêu trên. Qua đó, tỉnh Bình Dương sẽ có những kiến nghị, đề xuất để giúp tỉnh tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh được sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả hơn.
PV: Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của tỉnh Bình Dương?
Ông Phạm Xuân Ngọc:
Về kinh nghiệm tổ chức thực hiện, Sở TN&MT đã sớm trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án, kế hoạch và dự toán để có căn cứ thực hiện; tổ chức tập huấn cho cán bộ của ngành TN&MT, từ cấp tỉnh tới cấp huyện và cấp xã; đồng thời, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc theo quy định để thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp. Từ đó, sản phẩm cuối cùng sẽ có độ chính xác và độ tin cậy cao, đảm bảo dùng được cho nhiều ngành và nhiều đơn vị, chứ không chỉ dùng riêng cho ngành TN&MT.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đồng thời, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra tại cấp xã, cấp huyện nhằm hướng dẫn và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của các địa phương. Sở TN&MT Bình Dương còn phối hợp với cán bộ của Bộ TN&MT để kiểm tra công tác thực hiện tại cấp xã, sản phẩm cuối cùng đã đúng theo quy định.
Hoạt động đo vẽ ngoại nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai trong thời gian qua có nhiều thay đổi; các chỉ tiêu thống kê không ổn định giữa các kỳ kiểm kê đất đai; nguyên tắc kiểm kê giữa các kỳ khác nhau nên ảnh hưởng nhiều đến việc phân tích, đánh giá biến động giữa các kỳ kiểm kê và cũng ảnh hưởng đến việc theo dõi, quản lý đất đai tại địa phương. Ngoài ra, nội dung và phương pháp thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, ứng dụng nhiều phần mềm, sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao...
Để giải quyết những vấn đề trên, Sở TN&MT Bình Dương đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị tập trung các cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực hiện nhiều kỳ thống kê, kiểm kê để cùng nhau thực hiện và sản phẩm hoàn thành phải được thông qua nhiều phòng, ban để góp ý, chỉnh sửa cùng hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 tại cấp xã, cấp huyện; Sở TN&MT cũng đã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, tuy phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, nhưng công tác kiểm kê đất đai năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn tổ chức thực hiện thông qua hình thức làm việc trực tuyến, online,... Vì vậy, sản phẩm kiểm kê đất đai năm 2019 đã hoàn thành tốt theo đúng quy định.
PV: Hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 có đóng góp quan trọng đối với công tác quản lý về đất đai của tỉnh Bình Dương ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Ngọc:
Sản phẩm hoàn thành đầy đủ các biểu mẫu theo quy định và tài liệu, số liệu kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 cũng được lập đảm bảo theo đúng quy định của Bộ TN&MT; xác định đúng hiện trạng diện tích đất tự nhiên của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về diện tích từng loại đất, từng loại đối tượng sử dụng đất; xác định được tình hình quản lý và sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, việc xác định đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ chính xác, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kịp thời xử lý và chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm. Công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai được tập trung thực hiện triệt để nhằm mục đích phục vụ tốt nhất cho tổ chức, cá nhân. Theo đó, Bình Dương đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố.
Đến nay, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và lập hồ sơ địa chính, tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn thành 3 cấp tỉnh, huyện và xã; hình thành một hệ thống thông tin đất đai để đưa vào quản lý, lưu trữ, cung cấp và khai thác sử dụng theo quy định, phục vụ cơ bản nhu cầu công việc và nhu cầu của nhân dân; xây dựng mô hình bản đồ địa chính dùng chung cho các đơn vị được phép sử dụng bản đồ địa chính theo quy định; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, các phần mềm chuyên dụng trong công tác chuyên môn.
PV: Xin ông cho biết một số giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới?
Ông Phạm Xuân Ngọc:
Sở TN&MT Bình Dương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai để người dân sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai; thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp sai phạm trong quản lý và sử dụng đất trên địa bàn, như: chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp kinh tế, như: thuế, phí; tăng cường tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các dự án sử dụng đất; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hình thành các nguồn thu mới từ đất đai để tạo nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng nền hành chính công thực sự công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và các dịch vụ công về đất đai, vừa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai và theo dõi, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác này; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính ở các cấp; sớm hoàn thành Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính", nhằm tránh các trường hợp chồng, hở ranh và tranh chấp ranh địa giới hành chính.
Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc về xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh”, hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và Ban Quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo yêu cầu tại Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phần đất các nông, lâm trường và bàn giao về cho địa phương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!