Bình Dương: Bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững
(TN&MT) - Xác định bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Sở TN&MT Bình Dương đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm, từ đó giúp cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Bình Dương.
Nâng cao năng lực quản lý
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Năm 2022, công tác quản lý, BVMT có nhiều thuận lợi nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương; sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Bình Dương; sự phối hợp của các ngành, các cấp; sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh những thuận lợi thì tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là nền kinh tế của tỉnh thời gian qua tuy phát triển nhanh nhưng có mặt chưa bền vững; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra tốc độ cao đã tạo ra nhiều áp lực đối với môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh đó, Bình Dương với tinh thần đoàn kết, chủ động và quyết tâm cao đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác BVMT. Trong đó, chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn có cải thiện, mức độ ô nhiễm được kìm chế chậm lại. Kết quả quan trắc năm 2022 cho thấy, chất lượng môi trường không khí ổn định qua các năm, không có sự biến đổi lớn; chất lượng nước mặt có nhiều cải thiện; chất lượng môi trường đất tốt.
Đặc biệt, Sở TN&MT Bình Dương đã kịp thời tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc quản lý ngành TN&MT; tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật về BVMT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực ngành TN&MT; quan tâm đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó giúp cho công tác quản lý của ngành TN&MT ngày càng chủ động và chặt chẽ hơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 27 KCN đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đều có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và camera quan sát. Qua kết quả quan trắc cho thấy, tổng lưu lượng nước thải từ các KCN khoảng 85.291m3/ngày; các doanh nghiệp trong KCN đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung tương đối tốt, cơ bản đạt tỷ lệ 100%; nước thải sau xử lý thường xuyên đạt quy chuẩn môi trường; các KCN đều đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Để nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm trong công tác quản lý BVMT, từ năm 2009, tỉnh Bình Dương đã triển khai lắp đặt, vận hành hệ thống trạm quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn thải lớn. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 108 trạm quan trắc nước thải tự động, 37 trạm quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT Bình Dương, đạt tỷ lệ 98% các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trạm quan trắc tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
Năm 2022, Sở TN&MT Bình Dương cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo định hướng giảm số lượng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Sở TN&MT chỉ thanh, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp theo đơn thư phản ánh, kiến nghị và theo chỉ đạo của cấp trên. Kết quả thanh, kiểm tra cũng chỉ ra các thiếu sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT, có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm, giữ gìn kỷ cương, nâng cao hiệu lực trong việc thực thi chính sách, pháp luật.
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Năm 2023, để công tác quản lý, BVMT ngày càng gắn với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, Sở TN&MT Bình Dương sẽ tham mưu điều chỉnh Kế hoạch BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục theo dõi và vận hành hệ thống các trạm quan trắc tự động nước thải, nước dưới đất, nước mặt tự động và các trạm thủy văn.
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Dương sẽ xây dựng Kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu cho tổ chức, cá nhân thông qua các sự kiện; xây dựng và xét tặng Giải thưởng môi trường tỉnh Bình Dương năm 2023; xây dựng Báo cáo công tác BVMT tỉnh Bình Dương năm 2023; xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024 - 2030; xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024 - 2030.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương tiếp tục thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiếp tục rà soát, thống kê, hướng dẫn, nhắc nhở và đôn đốc các dự án, cơ sở thuộc đối tượng cấp Giấy phép môi trường theo quy định nộp báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường; tiếp tục cho vay các dự án thuộc đối tượng có nhu cầu vay vốn về đầu tư chuyển đổi phương tiện thu gom vận chuyển chất thải, các công trình xử lý nước thải tập trung; theo dõi và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong năm theo đúng quy định.
Sở TN&MT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng xây dựng các phương án BVMT để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; tham mưu ban hành và triển khai Quy định BVMT tỉnh; thực hiện phân vùng môi trường với định hướng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; thiết lập cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây ảnh hưởng đến môi trường từng khu vực.
Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường và đẩy mạnh kiểm tra sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo các dự án trước khi đi vào hoạt động phải được cấp giấy phép môi trường theo quy định; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó, Sở TN&MT tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp đang hoạt động có lưu lượng nước thải lớn hơn 200m3/ngày và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; xử lý kiên quyết và triệt để các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ đầu tư hệ thống quan trắc tự động không khí và ứng dụng các mô hình dự báo, lập bản đồ ô nhiễm đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao và thiết lập hệ thống cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử của Sở TN&MT và từng địa phương; duy trì thực hiện các chương trình quan trắc môi trường, tổng hợp số liệu để đánh giá tổng thể chất lượng môi trường ở địa phương; tổ chức hội nghị đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia của tỉnh Bình Dương về tăng trưởng xanh; tham gia xúc tiến và chia sẻ kinh nghiệm về tăng trưởng xanh...