Các lực lượng đang tăng cường tập dượt PCCCR |
Cháy rừng luôn “rình rập”
Theo thống kê, tỉnh Bình Định có diện tích rừng khá lớn, toàn tỉnh hiện có trên 394.025 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 318.928 ha đất có rừng, phân bổ chủ yếu ở các huyện trung du, miền núi, đường giao thông cách trở rất khó cho lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, quản lý với lực lượng ít ỏi. Cộng thêm phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác PCCCR còn nhiều hạn chế, thiếu thốn nên việc quản lý, bảo vệ rừng, nhất là PCCCR còn nhiều khó khăn.
Chưa kể đến ở nhiều địa phương một số chủ rừng chưa xem trọng công tác PCCCR. Nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng không có hệ thống phòng cháy và chữa cháy như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa... nên khi có cháy rừng xảy ra đám cháy lan rất nhanh rất khó cho công tác chữa cháy.
Mặc dù mới bước vào đầu mùa hè, nhưng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng ở xã Mỹ An (Phù Mỹ), thiệt hại trên 1 ha rừng dương. Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, nhiều khu vực rừng tại Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn… đang nằm trong tình trạng báo động cháy rừng, cấp dự báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Nhiều hộ gia đình ở các khu vực giáp ranh rừng hàng ngày đốt lửa để nấu cơm, đốt rác, vứt tàn thuốc bừa bãi tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Điển hình như khu vực rừng trên địa bàn phường Ghềnh Ráng, núi Bà Hỏa, thuộc các phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Đống Đa, Quang Trung của TP Quy Nhơn đã xâm chiếm đất trái phép xây cất nhà ở ngay khu vực giáp ranh rừng. Bên cạnh đó tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, khai thác gỗ trái phép, khai thác dầu rái, đốt ong, chặt củi đốt than... vẫn còn diễn ra ồ ạt rất dễ dẫn đến cháy rừng.
Nhằm bảo vệ tốt nhất cho các cánh rừng trong mùa khô năm nay, tỉnh Bình Định ra chủ trương phòng cháy là trên hết, quyết tâm kiểm soát nạn cháy rừng |
Trang bị kỹ càng, phòng là trên hết
Theo cảnh báo, mùa khô năm nay, khu vực tỉnh Bình Định sẽ có mức nhiệt cao và kéo dài, các hoạt động khai thác rừng thường cũng tập trung vào mùa khô nên khả năng xảy ra cháy rừng rất cao.
Để ứng phó với tình hình, UBND tỉnh Bình Định chủ trương phòng cháy là trên hết không để xảy ra cháy rừng mới triển khai công tác PCCCR. Với chủ trương này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy và thành lập đoàn kiểm tra các vấn đề cấp bách trong công tác BVR, triển khai nhanh kế hoạch PCCCR năm 2017. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng thực hiện quy chế phối hợp trong công tác BVR và PCCCR. UBND tỉnh Bình Định cũng đã nhanh chóng ban hành văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường cấp bách các biện pháp bảo vệ, PCCCR.
Được biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã thành lập và củng cố 11 Ban chỉ huy BVR&PCCCR huyện, thị xã, thành phố; 133 Ban chỉ huy BVR&PCCCR xã, phường, thị trấn và 17 Ban chỉ huy BVR &PCCCR của các chủ rừng. Riêng các địa phương và chủ rừng còn thành lập 729 tổ, đội xung kích PCCCR. Từ ngày 24/4 Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra công tác BVR&PCCCR trong mùa khô tại các Ban chỉ huy BVR&PCCCR ở các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng. Tại các đợt kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các đơn vị và chủ rừng xác định các vùng trọng điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép; vùng dễ xảy ra cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động. Hiện các đơn vị, chủ rừng đều đã rà soát, khoanh vẽ bổ sung, điều chỉnh các vùng trọng điểm dễ cháy rừng trên bản đồ PCCCR.
Dựa trên bản đồ, các đơn vị và lực lượng PCCCR sẽ biết được vùng trọng điểm xảy ra cháy rừng để có biện pháp phòng cháy, đồng thời khi xảy ra cháy rừng, các lực lượng tham gia chữa cháy sẽ biết được địa điểm các hồ, đập, sông, suối, đường mòn, các công trình phòng cháy, các điểm dân cư… để có kế hoạch triển khai chữa cháy hiệu quả và an toàn.
Đối với các khu vực rừng giáp ranh giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh lân cận, tỉnh Bình Định cũng đã triển khai công tác phối hợp chặt chẽ. Hạt Kiểm lâm các huyện Vân Canh, Tuy Phước – TP. Quy Nhơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, An Lão đã ký kết quy chế phối hợp quản lý BVR&PCCCR với Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm các tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vùng rừng giáp ranh.
Cùng với công tác “phòng thủ” vững chắc nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, tỉnh Bình Định còn tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý BVR&PCCCR sâu rộng trong nhân dân, huy động lực lượng đủ mạnh để tuần tra, truy quét những tụ điểm khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép với mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Mới đây, mô hình “cộng đồng dân cư tham gia PCCCR núi Bà Hỏa” đã ra mắt và được thực hiện thí điểm cho cộng đồng dân cư trên địa bàn 4 phường nằm giáp ranh với núi Bà Hỏa góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cộng đồng dân cư về công tác PCCCR.
Bài & ảnh:Yến Nhi