Môi trường

Bình Định: Thí điểm mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá

Ái Trinh 28/09/2023 - 16:05

(TN&MT) - Chiều ngày 26.9, tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, UBND thành phố phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức hội thảo tham vấn mô hình quản lý chất thải nhựa ngành thủy sản.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn”, do UBND thành phố Quy Nhơn chủ trì thực hiện, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, giai đoạn 2022-2024.

anh-1.jpg
Ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản trình bày mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá đưa vào bờ tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Ái Trinh

Tham dự hội thảo có bà Kari Synnove Johansen, bà Silie Fagernes Anonsen cố vấn cấp cao cơ quan hợp tác phát triển Nauy; ông Vũ Minh Đức, cố vấn cấp cao, đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, đại diện cơ quan Phát triển liên hợp quốc (UNDP) và hơn 40 đại biểu đại diện cho các Sở ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh, các phòng ban của UBND thành phố Quy Nhơn, doanh nghiệp kinh doanh, Tổ đội đoàn kết, cùng cán bộ và chủ tàu cá tại các xã/phường ven biển trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Bình Định là tỉnh thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 đạt 19.319,65 tỷ đồng chiếm 36,8% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì các hoạt động thủy sản cũng phát sinh một lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 5.955 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, với 3.243 tàu khai thác hải sản vùng khơi (chiếm tỷ lệ 54 %).

Ngành nghề đánh bắt chính là câu cá ngừ, mành mực, vây ánh sáng, lưới rê... Hiện nay, phần lớn tàu cá không có dụng cụ thu gom rác thải và không mang rác thải về bờ. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản và hoạt động tại các cảng cá cũng gây ô nhiễm môi trường và phát sinh nhiều rác thải nhựa. Tuy nhiên việc quản lý giám sát thu gom rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói chung và Bình Định vẫn chưa được thực hiện. Cơ sở hạ tầng còn kém chưa đáp ứng được khâu quản lý thu gom, phân loại và xử lý rác thải đặc biệt là rác thải nhựa.

anh-2(2).jpg
Ông Vũ Minh Đức, cố vấn cấp cao, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ái Trinh

Tại hội thảo, các báo cáo viên của Chi cục Thủy sản và BQL cảng cá Bình Định trình bày hiện trạng quản lý rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản và các chính sách quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản; giới thiệu cảng cá Quy Nhơn, công tác quản lý các tàu cá, các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo qui định liên quan đến quản lý chất thải nhựa; tham vấn các bên liên quan và đại diện các chủ tàu về mô hình và cơ chế thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ.

Theo đó hoạt động của mô hình bao gồm: nâng cao nhận thức cho thuyền viên làm việc trên các tàu cá về rác thải nhựa đại dương; xây dựng quy trình khai báo, tiếp nhận, xác nhận rác thải nhựa thu gom từ tàu cá vào bờ; thành lập và triển khai hoạt động Đội Thu gom rác thải nhựa tàu cá thuộc Ban Quản lý cảng cá Bình Định; hỗ trợ túi lưới thu hồi rác thải nhựa cho các tàu cá; hỗ trợ xây dựng nhà thu gom, các trang thiết bị phục vụ phân loại, đóng gói; xây dựng cơ chế khuyến khích tàu cá thu gom rác thải nhựa về bờ; xây dựng cơ chế hỗ trợ vận hành ban đầu cho Đội Thu gom làm kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết việc thực hiện cơ chế khuyến khích chỉ là giai đoạn ban đầu để ngư dân thay đổi dần thói quen vứt rác xuống biển, tiến đến phân loại và thu gom rác thải mang về bờ. Từ việc thực hiện mô hình thí điểm thu gom rác thải trên tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn, trên cơ sở đó ngành thủy sản tỉnh sẽ đề xuất các cấp, bộ ngành bổ sung một số hướng dẫn kỹ thuật và bổ sung các chính sách quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản cho phù hợp với thực tế.

anh-3(1).jpg
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại hội thảo. Ảnh: Ái Trinh

Tại hội thảo, các chủ tàu rất hoan nghênh việc thực hiện mô hình tàu cá đưa rác thải về bờ. Theo đó, các chủ tàu thực hiện mô hình sẽ phải cam kết không xả rác thải nhựa xuống biển và thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá để đưa vào bờ; Dán bản cam kết trong cabin tàu; Lắp đặt túi lưới chứa rác thải nhựa trên tàu cá; khai báo các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì trong chuyến biển thông qua tờ khai khi làm thủ tục xuất bến tại Cảng cá hoặc có thể khai báo qua Zalo được kết nối với Đội Thu gom rác thải của Cảng cá; Xác nhận lượng rác thải nhựa mang về khi cập cảng.

Dự kiến mô hình sẽ được triển khai thí điểm trên 200 tàu cá hoạt động xa bờ, thường cập cảng cá Quy Nhơn. Sau đó sẽ được duy trì và nhân rộng cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Thí điểm mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO