Bình Định thành lập Cơ sơ bảo tồn rùa Trung bộ

Mỹ Bình | 06/08/2022 15:45

Vừa qua, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) diễn ra cuộc họp tham vấn các bên liên quan về Đề án thành lập Cơ sơ bảo tồn rùa Trung bộ và Chương trình nhân nuôi, tái thả phục hồi rùa Trung bộ trong tự nhiên.

Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), thuộc họ rùa nước ngọt (rùa đầm), có kích thước trung bình (chiều dài mai đạt 285 mm đối với con cái, 232 mm đối với con đực). Rùa Trung bộ là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, chúng có phân bố hẹp, chỉ được ghi nhận ở những vùng đất ngập nước của một số tỉnh miền Trung Việt Nam.

h2(1).jpg
Rùa Trung bộ nhiều nơi gọi là rùa đẹp vì có 3 vạch màu vàng ở đầu

Các đặc điểm sinh thái và phân bố của loài này lần đầu tiên được mô tả vào năm 1939, nhưng không có bất kỳ ghi nhận nào về loài trong tự nhiên cho đến năm 2006 khi Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) quan sát được một cá thể rùa Trung bộ tại tỉnh Quảng Nam trong quá trình đặt bẫy rùa nước.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 67 năm, các nhà bảo tồn có cơ hội xác nhận rằng loài rùa này vẫn còn tồn tại trong tự nhiên. Hiện nay, chưa có khu bảo tồn nào ghi nhận có rùa Trung Bộ sinh sống, điều này càng làm tăng tính cấp thiết của công tác bảo tồn mà trước hết là xác định môi trường sống của loài.

Các nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm số lượng rùa Trung bộ là mất sinh cảnh, săn bắt và buôn bán trái phép. Mặc dù được bảo vệ theo các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam, nhưng rùa Trung bộ vẫn bị săn bắt, buôn bán trái phép. Với tình trạng săn bắn và buôn bán trái phép mạnh mẽ trong quá khứ và hiện tại, rùa Trung bộ đang ở trong tình trạng rất nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN (2021) và Sách đỏ Việt Nam 2007.

Được biết rùa Trung bộ đã được nhân giống bảo tồn chuyển vị tại Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương thành công. Hiện TCC đang chăm sóc 882 cá thể rùa Trung bộ trong một diện tích hạn hẹp. Vì vậy tại cơ sở này đã dừng sinh sản rùa Trung bộ từ năm 2021, vì không đủ cơ sở vật chất cho việc gia tăng quần thể loài này.

h1.jpg
Quang cảnh cuộc họp tham vấn các bên liên quan

Nhằm góp phần bảo tồn rùa Trung bộ tại Việt Nam, mở rộng Chương trình nhân nuôi bảo tồn loài rùa đặc hữu rất nguy cấp này, ICISE đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á xây dựng dự án Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn với hai mục tiêu chính: là cơ sở nhân nuôi bảo tồn rùa Trung bộ đầu tiên được thành lập trong vùng phân bố tự nhiên của loài; là cơ sở giáo dục bảo tồn, truyền thông về công tác bảo tồn rùa Trung bộ cho người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đề án thành lập cơ sở bảo tồn rùa Trung Bộ góp phần bảo tồn loài rùa Trung bộ đang nguy cấp, quí hiếm gắn với bảo vệ cảnh quan tại thung lũng Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

h3(1).jpg
Khu đất tại ICISE dự kiến xây dựng cơ sở nhân nuôi, bảo tồn rùa Trung bộ

Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ ICISE Quy Nhơn có diện tích là 4,12 ha chia làm 2 phân khu, trong đó phân khu số I có diện tích là 4.866 m2 sẽ dành cho hoạt động xây dựng, nhân nuôi bảo tồn và phần lớn hoạt động giáo dục bảo tồn. Các hoạt động theo dõi sau tái thả khi điều kiện cho phép sẽ được thực hiện trong phân khu số II với diện tích 3,67 ha. Đề án sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 5 năm với tổng kinh phí dự trù thực hiện gần 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định thành lập Cơ sơ bảo tồn rùa Trung bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO