Nhiều cá nhân, tổ chức gây nuôi
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 60 cơ sở và trại nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD được cấp phép, phổ biến là các loài: nhím, rắn, cầy vòi hương, don, nai, heo rừng, dúi, chim trĩ, kỳ đà, gấu; trong đó, có 50 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường và 10 cơ sở, trại nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; quý hiếm và thông thường với 2.694 cá thể.
Đáng ghi nhận, công tác quản lý ĐVHD thời gian quan trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên, đặc biệt là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.
Tuy nhiên, công tác quản lý gây nuôi vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là mẫu sổ theo dõi động vật rừng thông thường được quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường, nhưng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chưa có quy định mẫu sổ theo dõi. Một số cơ sở vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nuôi ÐVHD. Ðiều kiện về chuồng trại, an toàn trong chăn nuôi, vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Một số cơ sở gây nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp đối với ĐVHD hay việc khai báo tăng, giảm số lượng cá thể cho Hạt Kiểm lâm cơ sở chưa kịp thời. Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm của ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp tại các nhà hàng, quán ăn vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, nên hoạt động mua bán, vận chuyển ĐVHD và các sản phẩm trái pháp luật thường diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi gây khó khăn cho công tác quản lý ĐVHD.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bình Định, các cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống của người dân còn khó khăn nên không đủ điều kiện thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các loài động vật gây nuôi theo quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).
Chủ động kiểm tra, siết chặt quản lý
Để khắc phục những bất cập, tồn tại trên, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, kiến nghị Cục Kiểm lâm đề xuất Tổng Cục lâm nghiệp tham mưu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc xác nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường trong gây nuôi động vật rừng cho cá nhân, hộ gia đình và trang trại nhỏ lẻ để giảm bớt khó khăn, chi phí, tạo thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình phát triển gây nuôi động vật rừng. Đồng thời, ban hành mẫu sổ theo dõi, giảm đàn cho ĐVHD để áp dụng thống nhất chung cho cả nước.
Về phía tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn cơ sở, hộ dân gây nuôi ÐVHD hoàn thiện khâu xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy định; tăng cường việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi ÐVHD, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân đưa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVHD vào cuộc sống.
Và vận động cán bộ, công chức và nhân dân không vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp; vận động nhân dân tự giao nộp ĐVHD bắt được và thả về với môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao Trung tâm cứu hộ ĐVHD để chăm sóc cứu chữa các cá thể bị thương trước khi thả về tự nhiên. Ngoài ra, Chi cục, Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, truy quét quản lý tốt địa bàn, lâm phận được giao, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài ÐVHD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài ÐVHD và sản phẩm, mẫu vật của các loài ÐVHD.