Bình Định rà soát vùng nguy cơ sạt lở, ngập sâu để sơ tán người, tài sản trước cơn bão số 10

Mỹ Bình | 04/11/2020 06:09

(TN&MT) - Chiều 3/11, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó bão số 10.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ khảo sát, đánh giá, phân vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh. Đây là yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ quan trọng mà ông Dũng đã có văn bản giao cho các cơ quan chức năng triển khai thực hiện trước đó. Trong đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Chính quyền cùng các lực lượng vũ trang giúp nhân dân giằng chống nhà cửa trước khi bão số 10 tiến vào đất liền 

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có công điện yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó với bão số 10.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với bão. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu để chủ động triển khai phương án sơ tán người, tài sản.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn hạn chế tiếp nhận tàu vào cảng; đồng thời làm việc với các chủ tàu, thuyền trưởng, hướng dẫn 28 tàu vận tài biển, 12 tàu dịch vụ hậu cần đang hoạt động trong khu vực cảng Quy Nhơn di chuyển đến nơi tránh bão an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển từ 17g ngày 3/11 để bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền.

Lực lượng vũ trang cùng ngư dân kéo lồng bè, ngư cụ, thuyền, thúng vào bờ tránh bão 

Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, trong cơn bão số 9 vừa qua, Bình Định có 17 người bị thương trên đất liền, 23 người mất tích trên biển; 71 nhà bị sập; 5.652 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 3.003 nhà ngập nước; một số trạm y tế xã bị hư hỏng, tốc mái; 2.377ha lúa, hoa màu bị hư hỏng; 3.290 ha cây trồng lâu năm bị hư hỏng; 1.019 ha rừng trồng bị hư hỏng; 21.372 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 39 trường học bị hư hỏng, tốc mái; 1.620m kè bị sạt lở; 11.890m kênh mương sạt lở; 5.537m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 45 đập tạm, đập bổi hư hỏng; 03 cống bị hư hỏng; 1.500m đường giao thông bị sạt lở; khối lượng đất sạt lở, cuốn trôi 6.468 m3; 07 cống bị hư hỏng, 02 cầu bị hư hỏng; 11.658 cây xanh bị đổ, ngã; 04 tàu cá bị chìm; 139 cột điện bị ngã, đổ. Tổng thiệt hại ước tính 500 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định rà soát vùng nguy cơ sạt lở, ngập sâu để sơ tán người, tài sản trước cơn bão số 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO