Đầu tư - Tài chính

Bình Định: Phát triển công nghệ tiên tiến là ưu tiên, chiến lược quan trọng

Thanh Tùng 20/08/2024 - 16:14

Mới đây, tại tỉnh Bình Định diễn ra 2 sự kiện quan trọng về lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là việc UBND tỉnh phối hợp Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng và Lễ động thổ khởi công Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định. Các hoạt động này đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Định trong việc xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghệ cao của Việt Nam.

Ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, xây dựng thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), công nghiệp công nghệ số trong nước. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).

2(2).jpg
Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quản lý đô thị thông minh

Phát biểu tại Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, thực tế hiện nay, công nghiệp CNTT, công nghệ số đã trở thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có quy mô lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn từ năm 2015 - 2023 tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm, đóng góp lớn cho GDP.

Năm 2023, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2019 và 128% năm 2015); số lượng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp; số lượng lao động trong các doanh nghiệp CNTT, công nghệ số đang hoạt động ước đạt khoảng 1,45 triệu người.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang được Chính phủ giao xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm xây dựng hành lang pháp lý, chính sách đột phá với và những nhiệm vụ chiến lược nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn.

Chiến lược hướng tới mục tiêu giai đoạn 2024-2030 sẽ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.

“Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp, và chế biến. Để phát triển thực sự bứt phá, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Đánh giá hiện trạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Bình Định, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng chia sẻ, Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như quản lý đô thị thông minh, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, trong y tế, nông nghiệp công nghệ cao… Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn mang lại những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.

"Tuy nhiên, để trí tuệ nhân tạo thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển, cần phải xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu", ông Hồ Quốc Dũng nói.

3.jpeg
Hiện Bình Định xếp thứ 29 trên tổng số 63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số, tăng 5 bậc so với năm 2021

Xây dựng Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đây không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là khát vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định. Việc phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc phát triển các ngành công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng là một yêu cầu cấp thiết và là một trong những chiến lược quan trọng của tỉnh Bình Định. Bình Định chọn ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng không chỉ vì đây là những lĩnh vực công nghệ then chốt trên thế giới mà còn bởi vì những công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với sự đồng hành của Tập đoàn FPT.

Nhằm góp phần hiện thực hoá các mục tiêu này, trong khuôn khổ của Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng, UBND tỉnh Bình Định; Ban Nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn FPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 – 2030.

Theo đó, ba bên sẽ cùng huy động nguồn lực xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 – 2030; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển… ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, góp phần giúp tỉnh Bình Định đạt mục tiêu trở thành Trung tâm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, nhân lực chất lượng cao….

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho FPT cùng các đối tác triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tỉnh Bình Định trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, “nhiều năm qua, Bình Định đã chọn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá của tỉnh và tôi tin rằng Bình Định sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn, an ninh mạng của khu vực và thậm chí là trên thế giới. Để làm được điều này thì cái gốc là giáo dục, đào tạo. Với truyền thống và hào khí của mảnh đất võ, Bình Định đang nắm trong tay cơ hội ngàn năm có một để tạo sự phát triển vượt trội cho thế hệ trẻ. Chúng tôi sẽ song hành cùng Bình Định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về với Bình Định”.

1(3).jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan mô hình dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) - Đô thị phụ trợ tại Bình Định

Cùng với Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng, Liên danh FPT Quy Nhơn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ động thổ khởi công Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) - Đô thị phụ trợ tại Bình Định. Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, do Liên danh FPT Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án gồm 3 phân khu chức năng chính: Trung tâm AI, khu giáo dục và đào tạo, khu đô thị phụ trợ. Dự án triển khai nhằm thu hút đầu tư lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo và phát triển trí tuệ nhân tạo theo thời đại công nghệ 4.0, hướng đến thời đại công nghệ 5.0. Xây dựng mới một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị AI.

Đây là những tiền đề quan trọng để Bình Định hướng đến trở thành một trung tâm về công nghệ cao của cả nước trong tương lai.

Những năm qua, FPT đã đồng hành cùng Bình Định xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) thông qua nền tảng công nghệ chung duy nhất; đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung; triển khai Hệ thống camera điều hành giao thông ứng dụng AI phân tích hành vi vi phạm của các phương tiện qua chốt; đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số quy mô lớn; tư vấn triển khai các giải pháp y tế số, nông nghiệp số, doanh nghiệp số… Với nhiều nỗ lực, hiện Bình Định xếp thứ 29 trên tổng số 63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số, tăng 5 bậc so với năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Phát triển công nghệ tiên tiến là ưu tiên, chiến lược quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO