Bình Định: "Núp bóng" nạo vét lòng hồ để khai thác đất

24/10/2016 00:00

(TN&MT)- Dưới vỏ bọc nạo vét lòng hồ, HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) liên kết với một cá nhân và một doanh nghiệp đưa máy móc, phương tiện vào hồ Đại Sơn khai thác đất sét bán cho các lò gạch ngói. Hoạt động “tùng xẻo” đất diễn ra công khai nhiều tháng, song UBND xã Mỹ Hiệp và ngành chức năng của huyện Phù Mỹ lại ngó lơ, thậm chí tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành.

“Núp bóng” nạo vét lòng hồ, “ rút ruột” tài nguyên

Hồ chứa nước Đại Sơn nằm ở thôn Đại Thuận (xã Mỹ Hiệp), có dung tích chứa 2,6 triệu m3; cung cấp nước tưới cho 200 ha đất sản xuất nông nghiệp ở các thôn: Bình Tân, Đại Sơn, Thạch An, Đại Thuận và Trà Bình Đông của xã Mỹ Hiệp. Từ tháng 8-2016 đến nay, lợi dụng chủ trương nạo vét lòng hồ, HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp “bắt tay” với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng (có trụ sở ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp) và ông Nguyễn Bá Dũng (người ở địa phương) huy động máy đào, xe ben vào lòng hồ để khai thác đất bán kiếm lời. Từ đó đến nay, đường Tây tỉnh (ĐT 639B) qua địa phận thôn Đại Thuận bỗng trở nên náo động bởi đoàn xe chở đất sét tải trọng lớn nối đuôi nhau chạy ầm ầm suốt ngày đêm.

Máy đào, xe ben được huy được để “đục khoét” lòng hồ Đại Sơn.
Máy đào, xe ben được huy được để “đục khoét” lòng hồ Đại Sơn.

Trong các ngày từ 12-10 đến 19-10, chúng tôi tiếp cận công trường khai thác đất trái phép để mật phục ghi hình. Tại hiện trường chúng tôi nhận thấy, khu đất rộng hơn 3 ha trở nên tan hoang, hầm hố, đồi bãi ngổn ngang như “trận địa bom”. Tại đây, có 2 xe đào đang hoạt động và “đội xe” chừng 12 chiếc (chủ yếu là xe ben Chiến Thắng) liên tục ra vào “ăn” đất với số lượng hàng trăm lượt xe mỗi ngày.

Một người dân ở thôn Đại Thuận, nói: “Người ta đưa máy đào, xe tải tới hồ Đại Sơn lấy đất hơn cả tháng nay. Tui thấy sau khi hốt đất lên xe, các xe chạy qua đường Tây tỉnh, rồi rẽ về hướng huyện Tây Sơn. Nhiều xe tải của họ khi vận chuyển không che phủ bạt khiến đất rơi vãi xuống đường, gây dơ bẩn và mất an toàn giao thông”.

Thực hiện theo chủ trương của huyện (!)

Chúng tôi đem thắc mắc, bức xúc của người dân về việc khai thác đất ở lòng hồ Đại Sơn trao đổi với ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp để tìm hiểu rõ hơn. Ông Tuấn cho rằng: “Việc lấy đất ở lòng hồ Đại Sơn do HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp thực hiện. Hoạt động này cũng được UBND huyện Phù Mỹ cho chủ trương. Xã nhận thấy chuyện nạo vét lòng hồ để tích nước là cần thiết và không ảnh hưởng gì (!?)”.

Lòng hồ chứa nước Đại Sơn trở nên tan hoang sau thời gian dài bị nạn “đất tặc” “tùng xẻo”.
Lòng hồ chứa nước Đại Sơn trở nên tan hoang sau thời gian dài bị nạn “đất tặc” “tùng xẻo”.

Để chứng thực đây là việc làm hợp pháp, ông Tuấn gọi điện báo cho ông Lương Ngọc Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp tới làm việc với phóng viên. Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi: Có giấy tờ, hồ sơ gì cho thấy huyện Phù Mỹ đồng ý cho HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp nạo vét lòng hồ Đại Sơn để tích nước? Ông Bình trả lời: “UBND huyện Phù Mỹ đã cho chủ trương rồi, chúng tôi mới lấy đất”.

Sau đó, để chứng minh, ông Bình cung cấp cho chúng tôi văn bản số 427/UBND-NN ngày 22-6-2016 do ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ ký. Văn bản có nội dung: “… Đồng ý chủ trương cho nạo vét lòng hồ Đại Sơn để tăng dung tích chứa, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão và thời gian tích nước. Giao HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp làm chủ đầu tư và phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Thời gian thực hiện, hoàn thành trước tháng 9.2016…”.

Rõ ràng, văn bản do ông Tân ký quy định thời gian nạo vét hoàn thành trước tháng 9-2016, nhưng đến thời điểm ngày 19-10, việc nạo vét lòng hồ vẫn còn diễn ra. Trả lời thắc mắc về chuyện này, ông Bình cho rằng: “Do trời chưa mưa, lòng hồ chưa tích nước nên chúng tôi tranh thủ nạo vét…”. Sau khi nạo vét, đất được sử dụng vào mục đích gì? - chúng tôi hỏi thêm. “Đất này chủ yếu để đổ vườn, nâng nền”, ông Bình trả lời.

Tuy nhiên, qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy đất sau khi múc từ lòng hồ Đại Sơn, được các xe chở đem bán cho các lò gạch trong và ngoài huyện Phù Mỹ; trong đó, chủ yếu là các lò gạch ở huyện Tây Sơn.

“Nạo vét lòng hồ để lấy đất như vậy là sai hoàn toàn”

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định về việc lợi dụng chủ trương nạo vét lòng hồ Đại Sơn để khai thác đất của HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp. Theo ông Vui, thì: Nạo vét lòng hồ để tích nước là việc cần thiết. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp phải chọn đơn vị tư vấn có năng lực để khảo sát, thiết kế bãi khai thác đất trong lòng hồ nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình hồ chứa nước. Sau đó, trình Sở NN&PTNT thẩm định, phê duyệt theo quy định của Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 4-4-2001 và Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17-10-2010. Đằng này chủ đầu tư chưa làm thủ tục hồ sơ, chính Sở NN&PTNT cũng không nhận bất kỳ hồ sơ thẩm định nào mà đã tự móc nối với đơn vị khác đưa xe, máy móc vào lòng hồ lấy đất là việc làm sai trái, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê Điều. Để xảy ra sai sót này có phần lỗi từ UBND xã Mỹ Hiệp, Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ.

Máy đào đang đào, múc đất trong lòng hồ Đại Sơn đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ.
Máy đào đang đào, múc đất trong lòng hồ Đại Sơn đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ.

Ông Vui cho biết thêm: Việc tự ý khai thác đất trong lòng hồ Đại Sơn tạo thành các hố sâu cục bộ, tạo vách đứng khiến công trình hồ chứa bị biến dạng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập khi đất trong lòng hồ ngập nước và gây sóng nước lan truyền đến tuyến đập. Khi mưa lớn xảy ra, nguy cơ vỡ hồ chứa là rất lớn. Để ngăn chặn và xử lý việc này, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi lập tổ công tác ra hiện trường kiểm tra và sẽ có báo cáo cụ thể về việc này; đồng thời, Sở phối hợp cùng UBND huyện Phù Mỹ có hướng xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Lý giải cho sai sót của HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp, ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: “Chúng tôi yêu cầu HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các thủ tục hồ sơ về chủ trương nạo vét lòng hồ Đại Sơn. Tuy nhiên, đơn vị này còn rề rà, không thực hiện kịp thời, đầy đủ chỉ đạo của Phòng và UBND huyện”.

Còn ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, khẳng định: “Việc HTX Nông nghiệp 2-3 Mỹ Hiệp tự ý lấy đất trong lòng hồ Đại Sơn khi chưa được ngành chức năng cấp phép là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Khoáng sản. Chưa kể, đất trong lòng hồ lấy sử dụng vì mục đích gì; nếu lấy đất đem bán thì không thể chấp nhận được. Sở sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc trên”.

Tự ý cho khai thác đất để hạ mặt bằng(?)

Cách hồ Đại Sơn khoảng 200m về phía Tây Bắc, một “công trường” khai thác đất cũng hoạt động tấp nập không kém. Nơi đây là khu vực đất lâm nghiệp, thuộc địa bàn thôn Đại Sơn (xã Mỹ Hiệp), vùng đất này hiện một số người sử dụng vào mục đích trồng keo. Vào thời điểm khoảng 10 giờ 15 phút ngày 19-10, một chiếc máy đào đang hoạt hết công suất để múc đất đổ lên các xe tải đứng chờ (ảnh 84). Đáng nói, hoạt động khai thác đất tại khu vực này diễn ra trong thời gian dài; nhiều khối lượng đất đã bị đào lên để chở đi nơi khác tiêu thụ; hiện trường tại khu vực còn nhiều hầm hố nham nhở.

Theo lý giải của ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, thì: “Một số hộ dân đã được Nhà nước giao khoáng đất, do mặt bằng đất cao nên cho xe đào tới múc để hạ độ cao. Hơn nữa, tại xã Mỹ Hiệp đang thi công một số tuyến đường giao thông nông thôn, nhu cầu sử dụng đất để đổ cấp phối khá lớn; nhưng tại địa phương không quy hoạch mỏ khai thác đất nên một số đơn vị “tận dụng” việc hạ mặt bằng để lấy nguồn đất phục vụ công tác thi công. Việc khai thác đất, hạ mặt bằng do người dân tự thỏa thuận với các cá nhân, đơn vị có máy đào, chứ không thông qua bất kỳ ngành chức năng nào”.

 

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: "Núp bóng" nạo vét lòng hồ để khai thác đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO