(TN&MT) - Trước thực trạng san hô tại các vùng biển của Bình Định bị khai thác quá mức tác động xấu đến môi trường, địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp khôi phục, tái tạo và bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Nỗi lo mất “mái nhà biển”
Tỉnh Bình Định có bờ biển dài hơn 130 km là nơi sinh sống của nhiều rạn san hô có giá trị tập trung phân bố ở khu vực hòn Tranh, hòn Đụn, hòn Càn, hòn Khô, hòn Cỏ, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Bãi Xép, Bãi Bàng, Bãi Rạn… Rạn san hô được mệnh danh là "mái nhà biển" bởi nó giữ vai trò quan trọng của môi trường sinh thái biển; là nơi quần tụ của các giống loài thủy sản. Ngoài ra, các rạn san hô còn là tấm lá chắn vĩ đại chống sự xâm thực của nước biển đánh vào đất liền. Tuy nhiên, một thời gian dài diễn ra tình trạng đánh mìn để bắt cá ở rạn san hô, khai thác trái phép san hô sống làm sinh vật cảnh, đồ mỹ nghệ và san hô chết cho mục đích chế biến vôi... đã làm suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hủy diệt một số rạn san hô, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản.
Chính quyền, biên phòng tỉnh Bình Định đã tổ chức truy quét và xử lý nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển san hô trái phép nhưng hoạt động này vẫn liên tục diễn ra. Nguyên nhân là do việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo chưa đồng bộ và thống nhất. Trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra còn xuất hiện sự chồng chéo giữa các ngành, gây khó khăn trong công tác xử lý, quản lý các đối tượng khai thác.
Theo khảo sát mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang, các rạn san hô ở các vùng biển của Bình Định hiện chỉ còn khoảng 30% so với những năm 1980 - 1981. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản cũng dần bị mất đi do những hoạt động khai thác thủy sản mang tính tận diệt bằng chất nổ, chất độc hoặc lưới kéo. “Đáng lo ngại nhất là ghe tàu khai thác của ngư dân, tàu du lịch neo đậu làm hư hại các rạn san hô, không còn chỗ cho các loài thủy sản quần tụ, sinh sôi”- ông Phúc lo lắng.
Nỗ lực gìn giữ
Thời gian qua, để bảo vệ các rạn san hô, UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành khoanh vùng các khu vực cấm khai thác đánh bắt hải sản bằng phương pháp hủy diệt, giã cào đáy tại rạn vùng tiếp giáp. Không neo đậu tàu (trừ tàu du lịch) xả thải dầu nhớt tại các vùng bãi rạn và lân cận. Tiến hành công tác khôi phục lại rạn- diệt các loài rong biển cạnh tranh với san hô, các loài động vật ăn san hô, trồng các loại rong có ích tự làm sạch môi trường.
Hơn 1 năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) triển khai chương trình “Bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch” trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương tại Bình Định” hỗ trợ ngư dân và chính quyền các xã ven biển Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải thuộc TP. Quy Nhơn. Chương trình thu hút sự tham gia của các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh và hơn 100 đoàn viên thanh niên hai xã Nhơn Lý và Nhơn Hải.
Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng- Phó Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải, địa phương đã thành lập 1 tổ chuyên bảo vệ san hô gồm 8 người. Trong tổ này có 3 người đã lớn tuổi đảm trách nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của san hô để ngư dân chấm dứt việc khai thác; 5 thanh niên còn lại phụ trách việc lặn biển làm vệ sinh nền đáy để san hô phát triển.
Anh Sáng kể: “Bình thường mỗi tháng 2 lần chúng tôi lặn xuống đáy rạn san hô để bắt sao biển gai, đây là loài thủy sản chuyên gây hại cho san hô. Mỗi lần làm vệ sinh nền đáy rạn san hô chúng tôi phải lặn cả ngày dưới biển, nếu gặp lúc sao biển gai phát sinh nhiều quá, chúng tôi phải vận động thêm ngư dân trong xã hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng- Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết, việc các ngành chức năng tỉnh, các đơn vị lữ hành du lịch và người dân địa phương tham gia chương trình “Bảo vệ rạn san hô gắn với du lịch biển” góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như các đơn vị lữ hành du lịch trong việc khai thác và sử dụng hợp lý cảnh quan môi trường sinh thái biển một cách bền vững.
Ông Trần Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho hay Sở sẽ tiếp tục phối hợp với ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông bảo vệ rạn san hô nói riêng và cảnh quan môi trường biển nói chung gắn với phát triển du lịc để phát triển bền vững môi trường và sinh thái biển phục vụ lâu dài cho ngành du lịch.
MCD phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ thiết kế và phát các tờ rơi hướng dẫn du khách và người dân thực hiện tốt các quy định về du lịch xanh, sạch và văn minh góp phần bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và môi trường biển tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định./.
Bài & ảnh: Lan Anh