Bình Định: Nhiều bất cập nảy sinh ở các cụm hố ga thoát nước, ngăn mùi

26/08/2017 00:00

(TN&MT) - Năm 2012, trong khuôn khổ của Dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tiến hành lắp đặt nhiều cụm hố ga thu gom nước mưa, nước thải...

 

(TN&MT) - Năm 2012, trong khuôn khổ của Dự án vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tiến hành lắp đặt nhiều cụm hố ga thu gom nước mưa, nước thải ngăn mùi kiểu mới để thay thế các hố ga cũ dọc 20 tuyến đường nội thành Quy Nhơn. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố đảm bảo mỹ quan đô thị, hệ thống công trình này đang nảy sinh không ít bất cập.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn đang nạo vét bùn đất, chất thải dưới các cụm hố ga tại đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn).
Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn đang nạo vét bùn đất, chất thải dưới các cụm hố ga tại đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn).

Còn đó bất cập

Theo ghi nhận của PV, nhiều cụm hố ga thu gom nước mưa, nước thải ngăn mùi trên trên đường Hùng Vương đoạn qua KV 5, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đang bị người dân sử dụng tấm ván, bao bì để bịt kín. Tương tự, không ít cụm hố ga ngăn mùi khác nằm rải rác dọc các tuyến đường ở nội thị TP Quy Nhơn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Hàm Nghi, Hoàng Hoa Thám,… cũng rơi vào cảnh bị che, đậy kín, bởi các bao bì nhựa với mục đích hạn chế mùi hôi.

“Tui nghe nói hố ga thu gom nước mưa, nước thải ngăn mùi sẽ hạn chế được mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô. Vậy mà, cả tháng nay, mùi hôi khăm khẳm phát ra nên tui đành phải lấy bao xi măng che kín để ngăn mùi hôi. Chưa kể, thời điểm trời đang nắng rồi mưa, muỗi trong các hố ga này bay ra rất nhiều”, một hộ dân có nhà ở đường Hùng Vương (thuộc KV5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) nằm gần hố ga thu gom nước mưa, nước thải ngăn mùi, nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Biên, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị TP Quy Nhơn, nhận định: Trước đây, các cửa thu nước mưa kiểu hàm ếch không ngăn được mùi bốc ra từ các hố ga, đặc biệt là mùa khô, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc lắp đặt các hố ga ngăn mùi kiểu mới có khả năng thu nước trên đường nhằm giảm ngập, chặn rác và đất đá chảy vào lòng cống, ngăn mùi hôi, sinh vật trong lòng cống thoát ra mặt đường để thay thế các hố ga cũ là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều cụm hố ga do bị người dân đổ thức ăn thừa, đấu nối nước bẩn vào miệng hố, khiến việc thu và thoát nước mưa chậm chạp, đồng thời, gây mất mỹ quan đô thị, làm công trình không phát huy được công năng vốn có, mà còn tạo nơi sinh sống lý tưởng cho bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi.

Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, nhận xét: “Nếu so với hố ga hàm ếch, thì hố ga thoát nước, ngăn mùi bằng nước đảm bảo mỹ quan hơn và chặn được mùi hôi. Nhưng, qua khảo sát cho thấy, hệ thống hố ga này là nơi sinh sống lý tưởng của bọ gậy (lăng quăng), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Để diệt lăng quăng trú ngụ trong các hố ga ngăn mùi, hằng năm, Trung tâm phải xin nguồn kinh phí của tỉnh để mua hóa chất cấp phát cho các Trạm Y tế, cũng như tổ chức, hướng dẫn cách sử dụng dùng hóa chất diệt bọ gậy ở các hố ga”.

Còn ông Trà Văn Trinh, Trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho rằng: “Bọ gậy thường xuất hiện ở các hố ga có nước. Đáng lo 2 năm gần đây, dịch sốt xuất huyết ở địa phương có chiều hướng giá tăng. Qua kiểm tra, tôi thấy các hố ga ngăn mùi bằng nước luôn có bọ gậy. Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp miễn phí cho Trạm hóa chất Abate dùng để diệt bọ gậy. Tùy vào tình hình dịch bệnh, Trạm sử dụng Abate để bỏ xuống các ga ngăn mùi để diệt bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết lây lan”.

Người dân dùng bao bì, gạch, đá, thùng xốp bịt miệng các cụm hố ga thoát nước, ngăn mùi trên đường Hùng Vương (TP Quy Nhơn).
Người dân dùng bao bì, gạch, đá, thùng xốp bịt miệng các cụm hố ga thoát nước, ngăn mùi trên đường Hùng Vương (TP Quy Nhơn).

Giải quyết sao?

Nhằm đảm bảo việc tiêu thoát nước, hạn chế việc ngập lụt cục bộ trong nội thành Quy Nhơn và nhất là hạn chế việc ô nhiễm môi trường từ hố ga, ông Nguyễn Nên Danh, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị TP Quy Nhơn, cho hay: Ngoài công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các vật dụng che đậy, bịt miệng hố ga; đổ chất thải, vật liệu xây dựng, thức ăn thừa vào hố ga, hố thu nước mặt đường; đặt vật cản hoặc chất thải rắn gần miệng hố ga làm tắt nghẽn, tiêu thoát nước chậm dẫn đến ngập úng khi trời mưa lớn đột ngột. Công ty thường sử dụng xe bồn để tiếp nước cho các hố ga ngăn mùi để hạn chế sự khô nước vào mùa nắng nóng, đảm bảo tính năng hoạt động cho các hố ga. Đồng thời, Công ty, chỉ đạo công nhân thực hiện nạo vét các cụm hố ga dọc các tuyến đường. Trong quá trình quản lý vận hành hệ thống thoát nước, Công ty cũng chủ động phối hợp cùng UBND các phường xử lý kịp thời các trường hợp làm đổ vật liệu xây dựng, rác thải vào cụm hố ngăn mùi, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước hoặc đấu nối thoát nước không đúng quy định, gây hư hỏng hệ thống thoát nước; lắp đặt các pa-nô tuyên truyền tại các phường, các trụ sở khu vực,… nhằm nâng cao ý thức chấp hành, sử dụng hố ga đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Xuân Biên, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị TP Quy Nhơn: “Hiện nay, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn đang quản lý 4.200 cụm hố ga ngăn mùi kiểu mới và 6.600 cụm hố ga kiểu hàm ếch”. Về cơ bản, việc ngăn mùi của hố trung gian cũng giống như “cổ ngỗng”, tức là ngăn không cho mùi từ phía sau hố trung gian thoát ra ngoài bằng nước chứ không ngăn được mùi tại miệng hố thu nước. Vì vậy, người dân không được thải chất thải rắn, đất đá, làm nghẹt miệng thu nước và làm cạn phần nước trong vách ngăn lửng”.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Nhiều bất cập nảy sinh ở các cụm hố ga thoát nước, ngăn mùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO