Bình Định - một lần đến...

Bùi Hải - Xuân Phương| 25/01/2020 19:23

(TN&MT) - Tôi đến Bình Định như một sự tình cờ nhưng lại may mắn được khám phá vùng đất này để cảm nhận hết những nét văn hóa tinh túy nhất của nơi vẫn được nhắc đến với cái tên quen thuộc là “đất võ, trời văn”.

Cây me 200 tuổi do ông Hồ Phi Phúc - thân phụ vua Quang Trung trồng

Khám phá vùng đất Tây Sơn huyền thoại

Rời sân bay Phù Cát, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình về vùng đất Tây Sơn huyền thoại với Đàn tế Trời đất, Bảo tàng Quang Trung và Hầm Hô.

Đàn tế trời đất ở Núi Ấn, Bình Định theo truyền thuyết kể rằng, trước khi tiến quân ra Bắc, ba anh em nhà Tây Sơn đã lên núi Ấn lập đàn tế, xin Trời – Đất trao cho ấn, kiếm lệnh để dấy binh khởi nghĩa. Cảm lòng người vì hai chữ Đại nghĩa, Trời – Đất đã linh thiêng trao cho 3 anh em kiếm lệnh và ấn lệnh. Nhờ có ấn, kiếm lệnh Trời – Đất ban cho, 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã quy tụ được các nghĩa quân Tây Sơn, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Giếng nước đá ong của gia đình Tây Sơn tam kiệt

Anh hướng dẫn viên du lịch tỉnh Bình Định cho biết, để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công lao to lớn của nghĩa quân Tây Sơn, UBND tỉnh Bình Định đã khởi công xây dựng dự án Đàn tế Trời – Đất và một số công trình du lịch ngay trên ngọn núi Ấn Sơn vào tháng 11/2011. Đàn tế Trời Đất, Đền Ấn, được bố trí theo trục trần đạo hướng Nam – Bắc, trên khu đất rộng 46 ha, đã được UBND tỉnh Bình Định chính thức đưa vào hoạt động tại núi Ấn Sơn vào năm 2012 nhân kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung (1792 – 2012).

Rời Đàn tế Trời đất, đoàn chúng tôi di chuyển đến bảo tàng Quang Trung và Hầm Hô. Ngay trên nền nhà xưa của ba anh em nhà Tây Sơn, để tưởng nhớ hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người dân làng Kiên Mỹ đã xây dựng bảo tàng Quang Trung để dạy con cháu về tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc.

Cạnh bảo tàng có điện thờ Tây Sơn tam kiệt, cây me hơn 200 tuổi và giếng nước đá ong. Giếng nước cùng với cây me trong bảo tàng là hai di vật trong vườn nhà của ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn). Xưa, giếng được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8 m, đường kính gần 1 m. Sau này, để bảo vệ giếng, Bảo tàng Quang Trung xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ.

Chuyện kể rằng, sau khi ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, Huyện Tây Sơn) quê vợ sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán, thì có trồng cây me và đào một giếng nước ở hai bên ngôi nhà.

Để thể hiện lòng biết ơn với nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ và gọi là thờ thành hoàng nhằm che mắt chính quyền. Năm 1958, người dân địa phương xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Đền thờ Tây Sơn. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích đền thờ.

Từ thời Tây Sơn đến nay đã hơn 200 năm trôi qua nhưng người dân làng Kiên Mỹ vẫn gìn giữ những di tích và tôn thờ nhà Tây Sơn trong đời sống tín ngưỡng của mình. Trên mảnh đất xưa, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Đến nay, người dân vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: Cây me, giếng nước, sân đình/Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi; hay câu: Cây me cũ, bến Trầu xưa/Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm.

Hầm Hô - căn cứ địa quan trọng của nghĩa quân Cần Vương trong thời chống Pháp

Rời Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi đến với một danh lam có cái tên dân dã mà cũng rất ngộ nghĩnh: Hầm Hô. Nơi đây là căn cứ địa quan trọng của nghĩa quân Cần Vương trong thời chống Pháp. Ngồi thuyền xuôi theo dòng nước, chúng tôi mải mê ngắm nhìn khung cảnh hai bên đồi cây xanh thơ mộng, thích thú đưa tay nghịch con nước mát giữa cái nắng buổi trưa hè. Xuyên qua cành lá, Hầm Hô hiện ra trước mắt tôi như chốn bồng lai tiên cảnh.

Hầm Hô - căn cứ địa quan trọng của nghĩa quân Cần Vương trong thời chống Pháp

Đến giờ, tôi mới có thể hiểu tại sao Hầm Hô còn có một tên gọi mỹ miều khác: “Cửa ngõ một thiên đường”. Thiên đường không thể vẽ bằng giấy mực cũng không thể thể hiện trọn vẹn qua ống kính, một thiên đường phải “đến tận nơi, xem tận mắt” mới thỏa lòng được. Những tảng đá lớn, nhỏ, vuông, tròn nằm chất chồng lên nhau, phơi mình dưới ánh nắng hay tắm mình trong dòng nước mát rượi. Xa xa, làn khói dưới chân núi lan tỏa khiến cảnh tượng thật ảo đan xen khiến du khách cảm thấy như lạc vào chốn bồng lai.

Cảm nhận của “đất võ, trời văn”

Khoảng thời gian 2 ngày ở Bình Định cũng đủ cho tôi “no nê” với các “món” văn hóa truyền thống đặc sắc của Bình Định. Nói Bình Định là vùng “đất võ, trời văn” bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo như võ cổ truyền Bình Định, nhạc võ Tây Sơn, nghệ thuật hát bội, chơi bài chòi,… Lê Quý Đôn đã từng nói về vùng đất này với tình cảm ưu ái “người Bình Định rất thích hát, rất thích võ và rất hay cười”.

Truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt người dân Bình Định, nơi sản sinh ra những con người có tài thao lược rạng danh nước nhà: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Bùi Thị Xuân… Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành một di sản văn hóa, một nét đẹp riêng đi vào thơ văn “Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định múa roi đi quyền”.

Bình Định được mệnh danh là "đất võ” bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo như võ cổ truyền Bình Định

Chúng tôi có dịp ghé thăm võ đường Phan Thọ, nơi nuôi dưỡng tình yêu với võ cổ truyền Bình Định của vị lão sư đã ngoài tám mươi. Có đến đây, mới được nghe những chia sẻ của lão sư Phan Thọ về võ Bình Định, loại võ để giữ mình, để làm người trượng phu, chống lại kẻ giặc bạo tàn. Bất kỳ ai đến với võ Bình Định cũng đều lấy “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm đầu.

Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các em võ sinh biểu diễn những thế võ Tây Sơn hiểm hóc với cách ra đòn nhanh, biến hóa khôn lường, lấy thủ làm công, lấy công giữ thủ song toàn, khéo léo trăm bề, tư thế ngàn nẻo khiến đối phương rất khó chống đỡ.

Anh hướng dẫn viên chia sẻ, nói Bình Định là “trời văn” bởi ở đây là cái nôi của nghệ thuật hát bội, quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Qua bao thế hệ nối tiếp nhau, Bình Định vẫn ra sức gìn giữ và trau chuốt loại hình nghệ thuật này để trở thành một nét văn hóa đặc thù riêng. Ngày nay, hát Bội là một di sản nghệ thuật được coi là độc nhất vô nhị mà thế giới đang ngưỡng mộ không kém gì kịch Noh của Nhật Bản, Kinh kịch của Trung Hoa.

Chúng tôi tranh thủ ghé thăm mộ Hàn Mạc Tử trong tâm trạng bồi hồi xúc động bởi ngày còn nhỏ mới được biết nhà thơ qua từng trang sách. Đến đây, chúng tôi mới cảm nhận hết câu nói của Chế Lan Viên ngày nào “Mộ Hàn Mạc Tử nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, biển sáng chói như thơ anh và giông tố tựa đời anh”. Ngày chúng tôi ghé thăm, trời nắng đẹp, chính vì thế biển cũng trong xanh, rạng rỡ dưới nắng và sóng đôi bên bờ cát vàng.

Nét hoang sơ biển Quy Nhơn

Đã từng đi biển ở nhiều nơi nhưng đến đây tôi mới thấy biển ở Bình Định còn mang vẻ hoang sơ quyến rũ của riêng mình. Bờ biển cát vàng sóng xanh trải dài hơn 130 km, gió lộng ngập tràn bao gồm: Quy Nhơn, Quy Hòa, Vĩnh Hội, Nhơn Lý - Cát Tiến… Sự hòa quyện của núi non và biển cả từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, nâng cánh cho những hồn thơ của văn học hiện đại như Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan…

Biển ở Bình Định còn mang vẻ hoang sơ quyến rũ của riêng mình

Đến thành phố biển vào ngày trăng tròn, tôi lại đem lòng yêu biển đêm. Trước khi ăn tối, tôi ra biển để nhìn những con sóng vỗ, để cảm nhận cơn gió mang mùi biển đang vỗ về mình, hít hà cái vị mặn. Cảnh đẹp đến ngỡ ngàng làm tôi nhớ lại lời kể của Hàn Mạc Tử trong chuyến đi chơi mùa trăng với chị của ông: “Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng ta đi thuyền trên trời hay dưới nước? Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước, cười đáp lại: Cả và hai chị ạ”.

Ngoài khơi xa, những con tàu lấp lánh ánh đèn trắng, phản chiếu xuống nước như những ngọn hoa đăng trả trôi giữa dòng. Trời thanh, gió mát, khung cảnh hữu tình, tôi dễ dàng bắt gặp thanh niên tụ tập cùng nhau uống nước, nói chuyện.

Một góc biển Bình Định

Trở về rồi, tôi lại nhớ cái nắng, cái gió của Bình Định, nhẹ nhàng và vấn vương. Lòng tôi cứ băn khoăn mãi về miền đất hứa này: Liệu có phải nàng công chúa này đã chìm trong giấc ngủ quá lâu? Và liệu chăng, đã đến lúc chúng ta cần đánh thức tiềm năng du lịch của "nàng công chúa xinh đẹp" thức giấc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định - một lần đến...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO