Tại các làng nghề trồng mai ở xã Nhơn An thuộc thị xã An Nhơn, những ngày này, các nông hộ đang hối hả, tất bật vận chuyển những chậu mai vàng cho thương lái để kịp xe hàng chở ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Đến tận vườn mai bonsai Tuấn Ngọc, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn vui vẻ tâm sự: Cứ tưởng, năm nay dịch bệnh nhu cầu chưng mai Tết sẽ giảm mạnh. Nào ngờ đâu, đến phút cuối các lái buôn từ các tỉnh phía Bắc tìm đến tận ruộng để thu mua mai vàng. Có gia đình được thương lái thu mua cả ruộng, vì thế những ngày gần đây mai vàng gần như “cháy hàng” không đủ cung ứng. Mai vàng bán được và không trượt giá, nên bà con trồng mai vàng tại đây rất vui.
Theo các nghệ nhân và các hộ trồng mai, nhu cầu thị hiếu của khách chơi mai năm nay có xu hướng thích mai bonsai, mai tạo dáng và mai lùm. Tùy thuộc vào người trồng và am hiểu, mai có thể được tạo dáng chủ yếu uốn theo thế trực, tỉ mỉ hội tụ được 4 đặc điểm: đơn cành, thưa lá, gốc bồ, ngọn chỉ; cự ly phân chi giữa các chi đều nhau, chi bố trí theo kiểu huynh đệ từ 5 chi trở lên, thông thường 5 -7 - 9 - 11 (chi dưới to hơn chi trên) tạo vóc dáng hình tháp, nhìn cân đối tứ diện.
Trong khi đó, mai bonsai được uốn theo các thế như rồng thăng, thác đỗ, huyền, trực - huyền, trực - bán huyền, bạc phong, nghinh phong, siêu phong thể hiện được đặc điểm chân, thiện, mỹ.
Những năm qua, các nghệ nhân và nông dân vùng “thủ phủ” mai vàng lớn nhất ở miền Trung là thị xã An Nhơn đang nỗ lực đưa ra thị trường nhiều giống mai vàng như mai giảo, mai cúc, huỳnh tỷ, mai đọt xanh, hồng mai, mai thượng hải, cúc tiểu muội, nữ hoàng, mai vàng 5 cánh. Trong đó, giống mai giảo chiếm tỉ lệ cao nhất 75,8%, giống mai cúc chiếm 20,4%, các giống mai còn lại chiếm 3,8%.
Tính đến nay, toàn thị xã An Nhơn có trên 145 ha mai vàng, với hàng ngàn hộ trồng mai, trong đó phần lớn tại xã Nhơn An và Nhơn Phong. Năm 2012, sản phẩm Mai vàng Nhơn An được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Những năm qua, mai vàng An Nhơn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn từ 5.000 - 10.000 cây mai, ước tính doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng/năm, các hộ còn lại thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Nghề trồng mai đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.
Ông Bùi Văn Cư - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn chia sẻ: Vừa qua, có 5 làng nghề trồng mai tại thị xã được tỉnh Bình Định công nhận lại. Theo uớc tính, khoảng 112 tỉ đồng thu được từ việc bán mai Tết. Việc thu lợi nhuận cao từ bán mai Tết, tin rằng nông dân sẽ đón một cái Tết cổ truyền đặc biệt trong không khí vui tươi, đầm ấm.
Theo ông Bùi Văn Cư, niềm vui mới trong xuân này được nhân đôi khi địa phương có tuyến đường hoa mai vàng đầu tiên tại vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng” của cả nước. Đây là cách chúng ta tô điểm cho cảnh quan đường quê nông thôn cũng như tôn lên giá trị loại hoa đặc trưng của địa phương.