Làng rau Thuận Nghĩa cách thành phố Quy Nhơn gần 43km, ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Vùng đất này được hình thành cách đây hàng trăm năm, mang vẻ đẹp đặc trưng vùng quê thuần nông, nằm bên bờ con sông Kôn thơ mộng, hiền hòa.
Đường vào Làng rau Thuận Nghĩa |
Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và vùng đất bãi bồi ven sông Kôn màu mỡ đã giúp người dân làng Thuận Nghĩa chuyển từ nghề chài lưới ven sông hoặc trồng lúa, hoa màu sang nghề trồng rau. Đất phù sa quanh năm, khiến cho vùng đất trở nên tươi tốt, mưa thuận gió hòa, thiên thời địa lợi. Từ đó, Làng rau Thuận Nghĩa ra đời và nổi tiếng tại vùng đất Tây Sơn thượng võ ngày nay.
Con đường làng đều phủ màu xanh của rau, của lá cây mang vẻ đẹp thuần khiết, bình yên, mộc mọc đậm chất quê
|
Từ bao đời nay, làng rau Thuận Nghĩa là nơi cung cấp rau cho nhà hàng, khách sạn, nhân dân Tây Sơn cũng như các địa phương trong tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn. Ở đây có nhiều loại rau nổi tiếng thơm ngon và an toàn. Rau sống Thuận Nghĩa làm nên hương vị các món đặc sản của Bình Định như bánh xèo, bánh cuốn Tây Sơn, bún chả cá Quy Nhơn, rau xào tỏi. Đặc biệt loại rau có tác dụng làm thuốc chữa bệnh (gọi là thuốc Nam) và bồi bổ sức khỏe.
Một đời người dân Thuận Nghĩa, sinh ra, lớn lên, đến khi về đất mẹ gắn bó với những luống rau, bó rau, cây rau |
Ngoài bí quyết mang tính truyền thống, các hộ nông dân còn được áp dụng các tiến bộ khoa học với chu trình khép kín để rau luôn đảm bảo giữ được độ tươi ngon, hương vị đạt chất lượng về an toàn thực phẩm do Dự án Rau an toàn VietGap của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định triển khai.
Trồng ớt phục vụ bán Tết |
Tết đang về trên khắp nẻo đường làng quê Thuận Nghĩa. Từ cổng chào cho đến con đường ở cuối chân trời đều phủ màu xanh của rau, của lá cây mang vẻ đẹp thuần khiết, bình yên, mộc mọc đậm chất quê. Cả làng Thuận Nghĩa có 463 hộ dân đều sinh sống bằng nghề trồng rau, nguồn thu nhập chính của gia đình là rau.
Cây dưa leo đang ra hoa hứa hẹn vụ Tết bội thu |
Một đời người dân Thuận Nghĩa, sinh ra, lớn lên, đến khi về đất mẹ gắn bó với những luống rau, bó rau, cây rau. Mỗi năm cứ đến dịp Tết, làng Thuận Nghĩa rộn ràng, hối hả trồng rau bán ăn Tết. Năm nào rau được giá, ăn Tết đầy đủ, năm nào rau mất mùa hạ giá, năm đó ăn Tết tằn tiện.
Người dân cắt rau đem bán |
Vừa qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Tây Sơn triển khai xây dựng thí điểm mô hình sản xuất sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái tại khối Thuận Nghĩa, có 85 hộ dân tham gia. Đây là tín hiệu vui giúp Làng rau Thuận Nghĩa phát triển có định hướng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, mở ra cánh cửa cho Thuận Nghĩa phát triển kinh tế - du lịch trong tương lai.
Giàn cây đậu tươi tốt trong niềm phấn khởi của người dân |
Ông Nguyễn Ngọc Linh – Nhóm Trưởng nhóm 5 thực hiện mô hình sản xuất sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái ở khối Thuận Nghĩa chia sẻ: Bà con tham gia mô hình rất vui, tiếp cận phương thức sản xuất rau an toàn, giảm lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng khó khăn lớn nhất của bà con là đầu ra tiêu thụ sản phẩm rau không ổn định, bất bênh khiến bà con có tâm lý lo lắng, e ngại. Thời điểm này, chúng tôi đang chạy đua với thời gian trồng rau bán ăn Tết, nhưng giá hiện nay rất thấp chỉ 1000 đồng/bó rau sống các loại, riêng dưa leo là 5000 đồng/kg. Có năm bà con bán giá thấp, quá lỗ đành bỏ hết rau, trồng lại rau mới vào mùa vụ sau hoặc chuyển dần sang trồng cây đậu phụng.
Người dân tưới nước chăm sóc rau |
Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, mức thu nhập từ nghề trồng rau bấp bênh theo điệp khúc được mùa mất giá, khiến bà con nhiều lần lâm cảnh thất thu, thua lỗ nặng nề, nhưng chưa bao giờ họ từ bỏ nghề trồng rau. Vì, rau không chỉ là nghề kiếm sống mà còn nghề truyền thống của gia đình, dòng tộc và nét đẹp văn hóa đặc trưng làng quê nơi đây. Bởi vậy, những năm gần đây, Thuận Nghĩa đang là điểm đến thu hút hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và thưởng lãm ngôi làng rau đẹp bình dị như tiếng lành đồn xa.
Giàn hoa Thiên Lý đung đưa đón Tết |