Bình Định: Làng nghề Nhơn Lộc tất bật vụ Tết

Mỹ Bình | 25/01/2022 16:35

Nhơn Lộc là một xã thuần nông của thị xã An Nhơn có rất nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm nay. Những ngày cận Tết, chúng tôi về Nhơn Lộc mới cảm nhận sự tất bật, rộn ràng tại các làng nghề rượu Bàu Đá, bánh tráng Trường Cửu tăng công suất sản xuất phục vụ thượng khách.

Rượu Bàu Đá nồng nàn đón Tết

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng Tây Bắc, du khách theo quốc lộ 1A đến xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn là đến làng nghề rượu Bàu Đá, một trong những đặc sản của tỉnh Bình Định được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong TOP 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam.

dsc04200.jpg
                                                                          Rượu Bàu Đá sản phẩm đặc sản Bình Định

Ngoài yếu tố gia truyền trong việc chưng cất thì bàu nước trong vùng, nơi hội tụ những mạch nước ngầm chảy ra từ các ngọn núi xung quanh cũng là yếu tố làm nên danh tiếng, mùi vị riêng biệt của rượu Bàu Đá. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rượu thủ công, tiếng tăm của rượu Bàu Đá hiện lan rộng khắp cả nước, trở thành món quà đặc sản của vùng đất Bình Định.

dsc04115.jpg
                                                                                           Trộn men rượu

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn các năm trước, song người dân trong làng vẫn nỗ lực, cố gắng duy trì sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng, giá cạnh tranh để Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vẫn có rượu Bàu Đá thưởng thức.

dsc04155.jpg
                                                                                         Nấu rượu Bàu Đá

Các cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc vừa cho ra khá nhiều mẫu mã từ sản phẩm rượu đậu xanh, rượu nếp, rượu gạo. Ông Lê Văn Thưởng - Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu đá cho biết: Sau gần một năm hoạt động cầm chừng, các cơ sở ở làng nghề mới trở lại tất bật sản xuất cho các đơn đặt hàng làm quà Tết. Đa phần các hội viên tìm cách thay đổi mẫu mã bao bì, đa dạng sản phẩm đẹp hơn để chào khách hàng. Nhờ vậy, hai tuần qua các hộ sản xuất ở đây đều tăng cường nhân lực chạy đua với thời gian để sản xuất kịp phục vụ thượng khách cũng như nhu cầu thị trường Tết.

dsc04188.jpg
                                                                                          Chưng rót rượu vào bình 

Sóng bánh lung linh trong nắng

Nói về làng nghề bánh tráng ở Bình Định phải kể đến làng nghề bánh tráng Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Bánh tráng Trường Cửu nổi tiếng thơm ngon nhất vùng. Bánh tuy không trắng, không mỏng nhưng rất thơm ngon, mùi vị gạo thơm lừng mang đặc trưng phong vị quê hương riêng biệt không nơi nào có được.

dsc04220.jpg
                                                                                   Làng nghề  bánh tráng Trường Cửu 

Làng nghề bánh tráng Trường Cửu xuất hiện từ hàng trăm năm về trước, trước đây chỉ có vài chục hộ làm công việc này nhưng nay có khoảng 200 hộ làm bánh chuyên nghiệp khi “tiếng lành đồn xa”. Hiện bánh tráng Trường Cửu không chỉ trở thành món ăn phổ biến ở vùng đất này mà còn là món quà quê đặc sản của người Bình Định biếu tặng người thân, bạn bè xa xứ.

dsc04335.jpg
                                                                                Làm bánh tráng bằng máy 

Vụ Tết năm nay tại thôn Trường Cửu có hơn 200 hộ làm bánh tráng, mỗi ngày sản xuất 300 - 400 nghìn chiếc bánh. Những ngày này, cả thôn Trường Cửu nhộn nhịp như ngày hội, người dân làng nghề rộn ràng pha bột, tráng bánh, phơi bánh.

dsc04419.jpg
                                                                                         Tráng bánh thủ công 

Khắp mọi nơi trong sân vườn, sân nhà, mái hiên đều trải phơi bánh tạo thành những sóng bánh lung linh trong nắng như tấm lụa trắng trải rộng dưới chân trời xanh thẳm tạo nên bức tranh xuân giữa làng quê thuần nông mộc mạc.

dsc04257.jpg
                                                                                      Đẩy bánh đem ra sân phơi 

Anh Bùi Hiếu Dũng (48 tuổi) ở cơ sở sản xuất bánh tráng Dũng Hà chia sẻ: Gia đình tôi được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của thị xã mua máy tráng bánh được một năm nay. Nhờ đó, công suất sản xuất bánh cho vụ cuối năm tăng khá cao. Tôi phải thuê thêm 5-10 người. Tôi mạnh dạn mua thêm máy móc vì UBND xã Nhơn Lộc đầu tư sân phơi bánh gần 2 tỷ đồng.

Theo anh Dũng, ngày thường gia đình anh làm khoảng 100 kg gạo và chỉ 3 nhân công làm bánh, nhưng vào những ngày cận Tết, gia đình làm số lượng 150 - 200 kg gạo, nhân công cũng tăng lên 5-6 người.

dsc04228.jpg
                                                                                     Sóng bánh lung linh trong nắng 

Niềm vui của người làm bánh tráng Trường Cửu và rượu Bàu Đá tại các làng nghề vừa được UBND xã Nhơn Lộc đăng ký và đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Bình Định. Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: UBND xã đã tranh thủ các dự án khuyến công để bà con có nhu cầu tiếp cận mua sắm máy móc giúp nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Khi người dân tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho sản phẩm được nhiều thị trường biết đến, giúp bà con có đầu ra ổn định và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Làng nghề Nhơn Lộc tất bật vụ Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO