Bình Định: Làm gì để ngăn chặn “cát tặc”, “đất tặc” tại Cát Thành?

Mỹ Bình | 23/02/2021 21:21

(TN&MT) - Hiện xã Cát Thành, huyện Phù Cát đang là điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép tại Bình Định. Ban đêm thậm chí ban ngày “cát tặc” oanh tạc cả đồi cát rộng lớn nằm bên đường ĐT639 tại địa phận thôn Chánh Thiện, còn “đất tặc” khai quật tan hoang khu đồi Cả di tích lịch sử tại thôn Chánh Hóa.

“Cát tặc” nhờn luật?

Theo đường ĐT639 từ Cát Tiến đi Cát Hải qua địa phận Cát Thành huyện Phù Cát là đến điểm nóng đang khai thác cát rầm rộ. Những đồi cát tô trắng mịn vun cao nay đã không còn nữa mà xuất hiện dày đặc dấu vết bánh xe các loại xe lớn, nhỏ ra vào chở cát.

Chằng chịt dấu vết xe vào các đồi cát tại thôn Chánh Thiện

Đến khu vực giáp ranh giữa Cát Hải và Cát Thành là mũi Đá Giăng (hoặc gọi mũi Đá Vang) xuất hiện rất nhiều đường mòn lối mở từ mặt đường ĐT639 vào bên trong khu vực đồi cát đều chằng chịt dấu vết xe chở cát.

Dấu vết hiện trường khai thác cát tạo thành hố sâu 

Những đồi cát nay đã bị hạ cos bằng phẳng, chỗ lồi, chỗ lõm, nhiều hố sâu đến vài mét còn in dấu hiện trường của hoạt động khai thác cát. Thậm chí chiếc xe múc nằm chờ sẵn trong hố cát như lên dây cót chờ lệnh hoạt động múc cát.

Cát bị khai thác với khối lượng lớn 

Qua người dân địa phương phản ánh thì “cát tặc” hoạt động khai thác cát vào ban đêm là chính, bắt đầu từ 18h hoặc muộn hơn là 21h cho đến sáng sớm. Thời gian vào thứ bảy và chủ nhật, chúng hoạt động cả ngày lẫn đêm, thậm chí vào những ngày trong tuần “cát tặc” đánh quả vài xe chở cát bán.

Cát Thành xuất hiện nhiều bãi tập kết cát lớn 

Một người dân địa phương cho biết: Các đối tượng lấy cát chủ yếu là người dân địa phương vì thế công tác truy quét, quản lý khai thác khoáng sản tại những đồi cát càng trở nên phức tạp khó xử lý. Chúng tôi thấy cán bộ chính quyền xã bắt xe, bắt phương tiện nhưng không giam giữ mà có giam vài ngày rồi trả về, “cát tặc” lại tiếp tục hoạt động?. 

Bãi tập kết cát gần quán Hồ Sen bên đường ĐT639 gần khu vực khai thác cát tồn tại lâu nay không bị xử lý

Người dân tiếp tục phàn nàn: Nhiều khi xe ben chở cát thì phạt nhưng xe đào múc cát nằm tại mỏ thì không phạt, không kéo đi chỗ khác cứ để xe ngay bãi cát nên không thấy ai là chúng lại vào múc cát đưa lên xe ben chở ra ngoài. Chúng chạy xe chở cát bạt mạng trên tuyến ĐT639, nhiều khi không phủ bạt cát bay mù mịt hai bên đường bay vào nhà dân mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra.

Tiếp cận hiện trường những đồi cát bị khai thác, PV Báo TN&MT ghi nhận hàng trăm nghìn khối cát bị lấy đi tạo thành hố bom, hố sâu trên diện tích khá lớn. Dấu vết này chứng tỏ cát bị khai thác trong một thời gian khá dài với tốc độ thần tốc.

Con đường khai thác cát trái phép đối diện với quán ăn Hồ Sen đang là điểm nóng hoạt động khai thác cát 

Vấn đề “cát tặc” lộng hành khai thác cát trên những đồi cát tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, Báo TN&MT đã có loạt bài phản ánh trong năm 2020. Sau khi Báo phản ánh, hoạt động khai thác cát ở đây tạm lắng xuống nay lại tiếp tục rộ lên với diễn biến phức tạp và manh động, dường như “cát tặc” đã nhờn luật và lợi nhuận từ việc khai thác bán cát khá cao là miếng mồi ngon cho “cát tặc” lộng hành?. Với giá bán một khối cát 60 đến 70 nghìn đồng mà không mất gì thì chẳng có lý nào “cát tặc” bỏ qua.

“Đất tặc” khai quật tan hoang khu đồi Cả di tích lịch sử

So với “cát tặc” lộng hành tại Cát Thành thì “đất tặc” cũng không thua kém, các đối tượng khai quật nguyên khu đồi Cả là di tích lịch sử thuộc quần thể di tích khu căn cứ núi Bà được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 25/01/1994 tan hoang. Mặc dù tại tấm bia di tích có ghi dòng chữ “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích”, thế nhưng “đất tặc” vẫn không màng đến.

Khu di tích lịch sử đồi Cả ở thôn Chánh Hóa 

“Đất tặc” đã tạo ra một con đường mòn nằm bên hông phải ngôi Trường THPT Ngô Lê Tân ở thôn Chánh Hóa để có đường ra vào vận chuyển đất. Con đường đất dài khoảng hơn 50m, tiếp tục đi vào bên trong sẽ có nhiều con đường mòn khác rộng từ 3-5m leo lên tận đỉnh đồi Cả.

Con đường ra vào lấy đất dưới chân đồi Cả 

Những con đường mòn ấy là từ việc phá đồi, khai thác đất tạo nên đường để vào chở đất ra ngoài. Nhiều mô đất, hóc đất trên đồi bị ăn sâu bên trong lớp đất thịt tạo thành hàm ếch lớn. Hiện trường khai thác in dấu vết của thời gian khai thác khá dài bởi sự tàn phá và xâm phạm nghiêm trọng khu di tích lịch sử.

Di tích đồi Cả khai quật tan hoang để lấy đất 

Những lớp đất bị khoét sâu vào thịt 

Phá đồi, khai thác đất tạo thành đường để vận chuyển đất 

Chính quyền địa phương nói gì?

Làm việc với PV Báo TN&MT, ông Mai Văn Bé – Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Cát Thành cho biết, toàn bộ hoạt động khai thác cát tại thôn Chánh Thiện và khai thác đất đồi Cả tại thôn Chánh Hóa đều trái phép. Chính quyền xã phát hiện bắt, giam giữ phương tiện khai thác và lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 36/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản là 28 trường hợp khai thác cát trái phép. Mỗi trường hợp bị xử phạt từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng và tam giữ phương tiện trong 7 ngày, hiện có thể tăng lên số ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, các đối tượng rất liều lĩnh, lì lợm, vẫn tiếp tục tái phạm mặc dù đã có cam kết.

Cán bộ địa chính xã Cát Thành khẳng định, khu vực đồi Cả đều khai thác đất trái phép, mặc dù là di tích quốc gia nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên lấy đất. Chúng tôi cũng đã canh giữ nhưng chúng vẫn lén lút lấy đất.

Ông Mai Văn Bé và cán bộ địa chính xã Cát Thành cho biết thêm: UBND huyện Phù Cát đã lập 2 tổ công tác phân công luân phiên trực 24/24 để canh giữ, bắt giữ phương tiện khai thác trái phép. Nhưng chúng hoạt động rất manh động, chớp nhanh thời gian nghỉ mà hoạt động, bởi việc liên tục canh giữ là rất khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cần sự phối hợp của Xí nghiệp sa khoáng Nam Đề Gi của Công ty Khoáng sản Bình Định trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã giao cho doanh nghiệp.

Ông Mai Văn Bé thông tin thêm: Tại mỏ cát thôn Chánh Thiện, UBND tỉnh Bình Định và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu giá và Công ty TNHH Thương mai và Xây dựng Khôi đã đấu trúng với diện tích 5,1ha và đang thực hiện thủ tục bồi thường cây cối cho người dân trồng trong khu vực mỏ cát cùng các thủ tục cấp phép khai thác. Việc doanh nghiệp trúng đấu giá, địa phương có thêm doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm bảo vệ khu vực mỏ cát không để “cát tặc” lộng hành.

Trao đổi thêm với PV, Thượng tá Nguyễn Chí Linh – Trưởng Công an huyện Phù Cát cho biết, từ thông tin PV cung cấp về hoạt động khai thác cát, chúng tôi chỉ đạo Cảnh sát Kinh tế môi trường phối hợp với xã Cát Thành xử lý vụ việc.

Để hoàn thành tuyến bài này, PV Báo TN&MT phải dành thời gian hai ngày 22 và 23/2/2021 ra xã Cát Thành làm việc với lãnh đạo và cán bộ UBND xã Cát Thành. Cả hai ngày, PV đều nhận thấy hoạt động khai thác cát của “cát tặc” tại thôn Chánh Thiện khá lì lợm và không biết sợ chính quyền cùng cơ quan chức năng.

Ngày 22/2/2021 chiếc máy đào nằm trong mỏ cát với tư thế lên dây cót 

Ngày 23/2/2021 chiếc mày đào này vẫn tiếp tục nằm trong mỏ cát chỉ thay đổi tư thế 

Chiếc xe này chở cát từ nơi mỏ cát có chiếc xe máy đào vào sáng ngày 23/2/2021, đường vào mỏ cát đối diện với quan ăn Hồ Sen bên đường ĐT639

Ngày 23/2, chiếc xe máy đào vẫn để trong khu vực khai thác mỏ cát nằm sâu dưới lớp cát cao và chiếc xe chiến thắng đã chở cát từ mỏ ra ngoài đường ĐT639, mặc dù trước đó ngày 22/2 PV đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Cát Thành cũng như cơ quan chức năng huyện Phù Cát về chiếc xe máy đào nằm trong mỏ cát đối diện với quán ăn Hồ Sen trên đường ĐT639. Chẳng lẽ nào cả hệ thống chính quyền huyện Phù Cát "bó tay" trước nạn “cát tặc” và “đất tặc” lộng hành tại xã Cát Thành suốt thời gian qua?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Làm gì để ngăn chặn “cát tặc”, “đất tặc” tại Cát Thành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO