(TN&MT) - Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, toàn tỉnh hiện có 78 cá nhân, hộ gia đình và tổ chức đang gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD); trong đó, có 68 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản ĐVHD thông thường; 3 cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và 7 cơ sở nuôi ĐVHD thông thường và quý hiếm. Các loài ĐVHD được các tổ chức, cá nhân, người dân chăn nuôi phổ biến hiện nay gồm: nhím, rắn, cầy vòi hương, don, nai, heo rừng, dúi, chim trĩ, kỳ đà, gấu…
Ông Nguyễn Bá Đào (trú thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) đang cho nai ăn. |
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hộ gia đình gây nuôi ĐVHD đã đến cơ quan chức năng lập thủ tục đăng ký gây nuôi, một số cơ sở vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nuôi ĐVHD. Điều kiện về chuồng trại, an toàn trong chăn nuôi, vệ sinh môi trường cũng chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Có hộ nuôi ĐVHD trong nhà, không khai báo với cơ quan chức năng hoặc để sổng chuồng, đe dọa đến tính mạng người nuôi, gây tâm lý thiếu an toàn trong cộng đồng dân cư liền kề. Vào ngày 20-1 vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện tại nhà số 9 đường Ỷ Lan, TP Quy Nhơn đang nuôi giữ trái phép một con gấu ngựa nặng khoảng 100 kg. Theo lời khai của chủ nhà, ông mua lại con gấu ngựa từ khi còn nhỏ do một người dân ở huyện Phù Mỹ bắt được và nuôi nhốt trong nhà từ năm 2003 cho đến nay. Việc nuôi nhốt này đã gây tâm lý hoang mang cho các hộ sống liền kề.
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, cho biết để khắc phục các tồn tại trên, thời gian tới, Chi cục phối hợp cùng ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hướng dẫn cơ sở, hộ dân gây nuôi ĐVHD hoàn thiện khâu xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy định; đồng thời, tăng cường việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi ĐVHD, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Riêng về gấu ngựa, Chi cục Kiểm lâm làm thủ tục bàn giao cho vườn thú của FLC.
Nhiều hộ nuôi hươu lấy nhung đem lại nguồn thu nhập khá. Trong ảnh: Đàn hươu của ông Nguyễn Bá Đào (trú thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh). |
Trước khả năng các đối tượng lợi dụng việc được cấp giấy phép gây nuôi ĐVHD thông thường để gây nuôi trái phép ĐVHD quý hiếm, lợi dụng hợp pháp hóa nguồn gốc các loài ĐVHD được mua gom trái phép để kinh doanh, buôn bán. Về việc này, đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho rằng, không loại khả năng này. Ông Sáu, cho biết thêm: Để quản lý chặt chẽ các trại gây nuôi và kịp thời ngăn chặn tình hình mua, bán, săn, bắt trái phép ĐVHD, Chi cục Kiểm lâm cùng Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã xây dựng quy chế, kế hoạch thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc gây nuôi các loài ĐVHD trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng đơn vị, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát tình hình săn, bắn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, sử dụng và phòng chống dịch bệnh các loài ĐVHD theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, truy quét quản lý tốt địa bàn, lâm phận được giao, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh, sử dụng trái phép các loài ĐVHD và sản phẩm, mẫu vật của các loài ĐVHD.
Hoàng Nguyên