Bình Định khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm

03/03/2017 00:00

(TN&MT) - Gần đây, dịch cúm gia cầm (DCGC) đã tái phát ở nhiều địa phương trong nước và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Hiện nay, ở tỉnh Bình Định mặc dù...

 

(TN&MT) - Gần đây, dịch cúm gia cầm (DCGC) đã tái phát ở nhiều địa phương trong nước và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Hiện nay, ở tỉnh Bình Định mặc dù chưa xảy ra DCGC, song theo cảnh báo của Cục Thú y thì nguy cơ tái phát dịch là rất cao, nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt.

Lực lượng thú y tiêm phòng cho đàn gà tại một gia trại chăn nuôi ở xã Nhơn Phong (TX An Nhơn).
Lực lượng thú y tiêm phòng cho đàn gà tại một gia trại chăn nuôi ở xã Nhơn Phong (TX An Nhơn).

Nguy cơ tái phát 

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, DCGC đã bùng phát tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Đến thời điểm này, tổng cộng đã có gần 30.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy. Theo nhận định của Cục Thú y, vi-rút cúm A H5N1, H5N6 đang phát tán rộng rãi trong môi trường, rất dễ bùng phát lây lan ra diện rộng. Tại các tỉnh phía Bắc, nguy cơ xâm nhập của vi-rút cúm A H7N9 từ Trung Quốc sang là rất lớn, hiện đối với chủng vi-rút này chưa có vắc-xin tiêm phòng nên rất đáng lo ngại. Do đó, các địa phương cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để phòng chống DCGC.

Tại tỉnh Bình Định, theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y (thuộc Sở NN&PTNT), tuy tình hình DCGC đang được khống chế khá tốt, nhưng khả năng tái phát dịch rất cao. Đáng lưu ý là các đợt lũ lụt lớn hồi cuối năm 2016 đã làm chết và cuốn trôi hàng ngàn con gia súc, gia cầm (GSGC), nguy cơ lây lan mầm bệnh khá lớn. Đặc biệt là việc buôn bán, vận chuyển gia cầm sống và giết mổ gia cầm tùy tiện tại các chợ đầu mối vẫn diễn ra thường xuyên. Tại một số địa phương, tình trạng vứt xác GSGC ra môi trường còn xảy ra. Trên các ao, hồ, sông suối, nhất là tại các xã khu Đông của các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Nhơn..., tình trạng thả rông vịt trên các dòng sông cũng là nguy cơ để mầm bệnh DCGC có thể lây lan.

Ngoài ra, một khó khăn trong công tác phòng chống DCGC là việc chăn nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình, phân tán, rải rác với số lượng ít trong các khu dân cư rất khó kiểm soát và không được tiêm phòng theo quy định. Bên cạnh đó, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi ở tỉnh ta chủ yếu được xây dựng trong các khu dân cư, gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Hoạt động giết mổ GSGC tại một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng là nguy cơ để dịch bệnh có thể tái phát.

Quyết liệt phòng chống dịch

Trước nguy cơ tái phát DCGC, Bộ NN&PTNT đã có công điện số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17-2-2017 về tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm; Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13-2-2017 yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác tiêm phòng DCGC; phát hiện kịp thời và có biện pháp bao vây khống chế, dập tắt, không để dịch bệnh lây lan. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, mua bán, vận chuyển gia cầm nhiễm bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc, không tuân thủ các quy định về phòng chống DCGC.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, cho biết: Thực hiện chỉ thị về phòng chống DCGC của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành đã chỉ đạo cán bộ kiểm dịch của Chi cục phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm dịch 24/24 giờ tại Trạm kiểm dịch Cù Mông trên quốc lộ 1, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) và chốt kiểm dịch đèo Bình Đê (Hoài Nhơn) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, gia cầm mắc bệnh ra - vào tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cũng đã thành lập các tổ công tác, phân công trách nhiệm từng thành viên phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng vắc-xin, phòng, chống DCGC trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống gia cầm phải đảm bảo có nguồn gốc và hợp tác với cơ quan thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức người chăn nuôi, ngăn chặn các hành vi vứt bừa bãi gia cầm chết làm dịch bệnh lây lan, gây ô nhiễm môi trường. Lực lượng thú y ra quân tháng cao điểm tiêu độc khử trùng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ đầu mối, các ổ dịch cũ... tại các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, lực lượng thú y đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt 100% đàn gia cầm được tiêm phòng. Để đảm bảo công tác tiêm phòng mang lại hiệu quả, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ khẩn cấp gần 5 tỉ đồng cho ngành Nông nghiệp tỉnh mua 10 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm và hỗ trợ 100% tiền công tiêm phòng cho người chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt. Hiện nay, Chi cục đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng, phấn đấu tiêm đủ 100% số gia cầm trong diện tiêm. Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn cả nước đang diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bình Định, lực lượng thú y tăng cường giám sát dịch bệnh đến cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phản ứng nhanh ở từng xã để xử lý nhanh, triệt để khi có dịch xảy ra. Đối với các hộ chăn nuôi cố tình không chấp hành tiêm phòng, lực lượng thú y tiến hành cưỡng chế tiêm phòng, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Bài & ảnh: Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO