Bình Định: Khai thác đá trên núi Bằng Tranh, người dân phản ánh không có cơ sở

Mỹ Bình | 04/04/2022 19:37

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được văn bản tiếp nhận, phản hồi thông tin Báo phản ánh việc khai thác đá trên diện tích đã phục hội môi trường của Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 tại vực núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão. UBND huyện An Lão khẳng định những nội dung kiến nghị và phản ánh của bà Trần Thị Sen là không có cơ sở.

Ngày 14/3/2022, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng bài “Bình Định: Công ty Thuận Đức 4 khai thác đá trên diện tích đã phục hồi môi trường” phản ánh có tình trạng khai thác đá trên khu vực núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão mà trước đây Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã hoàn thành hồ sơ đóng cửa mỏ đá và trồng cây phục hồi môi trường trong diện tích 9,73 pha từ năm 2013.

dsc01101.jpg
 Đường lên mỏ đá núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão 

Nội dung bài Báo đề cập đến vụ việc bà Trần Thị Sen ở thôn Xuân Phong Nam – xã An Hòa, huyện An Lão trồng cây keo nguyên liệu giấy từ năm 2009 đến năm 2014, bà khai thác thì bị UBND xã An Hòa ngăn cản không cho khai thác. Tuy nhiên, việc ngăn cản không đọc lệnh, không lập biên bản và chính quyền đưa ra lý do đây là cây keo của Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 trồng khắc phục lại môi trường sau khi hoàn thành hồ sơ đóng cửa mỏ đá và trồng cây phục hồi môi trường trong diện tích 9,73 ha từ năm 2013 được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản số 25 ngày 09/3/2010 tại núi Bằng Tranh.

dsc01135.jpg
 Bà Trần Thị Sen trồng keo trên diện tích 9,73ha  

Ngày 9/3/2022 bà đến Ban tiếp công dân huyện An Lão phản ánh Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 hiện đang khai thác đá granite nằm trong diện tích 9,73 ha đã trồng cây phục hồi môi trường không cơ quan nào ngăn cản, trong khi bà khai thác keo do bà trồng thì chính quyền địa phương xã An Hòa ngăn cản không cho bà khai thác và bắt giữ xe keo và lập hồ sơ chuyển Công an xã xử lý.

dsc01138.jpg
 Các cơ quan báo chí tiếp cận hiện trường mỏ đá Bằng Tranh 

Sau khi Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh những nội dung kiến nghị của bà Trần Thị Sen và tại hiện trường mỏ đá khu vực núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão. Ngày 30/3/2022, UBND huyện An Lão có văn bản số 354 tiếp nhận, phản hồi thông tin với nội dung như sau:

Để Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường nắm bắt một số thông tin liên quan đến việc khai thác đá và khai thác keo trong phạm vi phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản tại khu vực núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão. Nay, UBND huyện An Lão cung cấp một số thông tin liên quan đến nội dung Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh.

Ngày 09/3/2010, UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép số 25 về khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH XD Thuận Đức với diện tích 9,73 ha; đến năm 2013, Công ty lập hồ sơ trả mỏ được UBND tỉnh Quyết định số 3733, ngày 9/12/2013 về việc cho phép trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản và Quyết định số 2088, ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh về việc đóng cửa mỏ khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng núi Bằng Tranh, xã An Hòa, huyện An Lão.

Đến tháng 9/2020, UBND tỉnh cấp Giấy phép số 75, ngày 24/9/2020 cho Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 được phép thăm dò khoáng sản với diện tích 3,5 ha nằm trong diện tích 9,73 ha của Công ty TNHH XD Thuận Đức trước đây.

dsc01079.jpg
 Máy múc và máy nổ dùng khoan đá nằm tại hiện trường mỏ đá 

Qua kiểm tra tại hiện trường, Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đang sử dụng phương tiện và máy móc (gồm 2 máy đào và 1 máy nổ, trong đó có 1 xe máy đào bị hư) để sửa chữa tuyến đường khoảng 100m, vị trí khoan thăm dò và đường lên mỏ đá 8,3ha của Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đã được UBND tỉnh cấp phép và 1 máy nổ đang khoan thăm dò; đối với khối lượng đá khoảng 20m3 tại Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 đang thăm dò khoáng sản là đá cũ trước đây do Công ty TNHH XD Thuận Đức đã khai thác.

Tuy nhiên, do đá xấu, bìa, bạnh, gân tựa nên Công ty không vận chuyển về nhà máy để tiêu thụ mà để lại làm kè chắn đất nhằm sa bồi đất xuống phía hạ lưu. Thực tế Công ty TNHH XD Thuận Đức 4 không khai thác đá tại vị trí thăm dò mà đang khai thác và vận chuyển đá tại Giấy phép số 51, ngày 15/6/2011 của UBND tỉnh cấp, diện tích 8,3 ha với thời gian khai thác 19,5 năm, cách vị trí thăm dò khoảng 250 m về hướng Đông Bắc. Do đó, việc bà Trần Thị Sen phản ánh Công ty TNHH Thuận Đức 4 đang khai thác đá và vận chuyển đá tại vị trí thăm dò là không có cơ sở.

dsc01066.jpg
Mặc dù UBND huyện An Lão báo cáo khối lượng đá tại vị trí thăm dò là đá cũ nhưng phóng viên ghi nhận tại hiện trường cho thấy lớp đất, đá là khai thác mới 

Ngoài ra, bà Trần Thị Sen còn phản ánh với nội dung gia đình bà trồng keo từ năm 2009 đến nay trong diện tích 9,73 ha trước đây Công ty TNHH Thuận Đức khai thác đá. Tuy nhiên, chính quyền địa phương UBND xã An Hòa ngăn cản không cho bà khai thác và bắt giữ xe keo và lập biên bản chuyển Công an xã xử lý. Vấn đề này, UBND huyện An Lão báo cáo như sau:

dsc01060.jpg
 Đá khối, đá bìa góc cạnh nằm ngổn ngang tại vị trí thăm dò cho thấy hiện trường khai thác đá hơn là thăm dò 

Sau khi Công ty TNHH XD Thuận Đức trồng keo phục hồi môi trường trên diện tích 9,73 ha và được các cấp chính quyền từ xã, huyện đến các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra và xác nhận việc trồng rừng phục hội môi trường trong diện tích 9,73 ha là đúng theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cho phép trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản và Quyết định đóng cửa mỏ đá và giao lại cho địa phương quản lý diện tích đất và cây keo phục hồi môi trường theo quy định.

Do đó, việc bà Trần Thị Sen nêu trồng keo từ trước đến nay là không có cơ sở vì bà không có giấy tờ gì chứng minh việc bà trồng keo từ trước đến nay và tự ý khai thác keo trên phần diện tích đất phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản mà chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng Nhà nước là trái quy định. Hiện nay, UBND xã An Hòa và các ngành chức năng của huyện đang xử lý theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Khai thác đá trên núi Bằng Tranh, người dân phản ánh không có cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO