Bình Định: Hoài Ân vùng đất anh hùng vươn mình lên đô thị

Mỹ Bình | 18/06/2020 14:17

(TN&MT) - Hoài Ân là huyện trung du, miền núi, nơi có ba dân tộc sinh sống là Kinh, Bana và H're. Trải qua hàng trăm năm hình thành, xây dựng và phát triển, Hoài Ân đang đổi thay từng ngày, vươn mình lên đô thị góp phần xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.

Vùng đất anh hùng

Huyện Hoài Ân phía Bắc giáp huyện Hoài Nhơn, phía Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, phía Đông giáp huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát, phía Tây giáp huyện An Lão của tỉnh Bình Định.

Huyện Hoài Ân có 15 đơn vị hành chính gồm: 01 thị trấn Tăng Bạt Hổ và 14 xã: Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Đức, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, BokTới, Ân Sơn và ĐakMang. Trong đó 05 xã BokTới, ĐakMang, Ân Sơn, Ân Tường Đông và Ân Mỹ có người dân tộc Bana, H're sinh sống.

Hoài Ân vùng đất anh hùng vươn mình lên đô thị

Hoài Ân là huyện trung du, miền núi, nơi có ba dân tộc sinh sống là Kinh, Bana và H're. Trải qua hàng trăm năm hình thành, xây dựng và bảo vệ quê hương, các dân tộc sinh sống trên vùng đất Hoài Ân luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhau tạo nên nét văn hoá truyền thống đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc.

Hoài Ân rợp cờ hòa chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025

Nhân dân Hoài Ân vốn có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống giặc ngoại xâm kiên cường. Trong 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoài Ân là căn cứ vững chắc, bảo vệ an toàn cho nhiều cơ quan tỉnh Bình Định, Liên khu V và đạt nhiều thành tựu trong xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, động viên nhân tài, vật lực cho tiền tuyến. Đặc biệt, trong cuộc tấn công Xuân - Hè năm 1972, quân và dân Hoài Ân phối hợp cùng Sư đoàn Ba Sao Vàng anh hùng nổi dậy tiến công giải phóng Hoài Ân vào ngày 19/04/1972.

Đất nghèo xây dựng phát triển đô thị

Nhiều năm trở lại đây, huyện Hoài Ân từng bước phát triển nhanh về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị ở thị trấn Tăng Bạt Hổ và các xã miền núi như Ân Nghĩa, Ân Sơn, Ðak Mang, BokTới và một số địa phương khác. Chính sự đầu tư này làm thay đổi diện mạo mới cho Hoài Ân phát triển vươn mình lên đô thị.

Cơ quan hành chính huyện Hoài Ân 

Năm 2017, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 2682 ngày 28/07/2017 công nhận thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân là đô thị loại V. Mới đây, UBND huyện Hoài Ân có tờ trình xin chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tăng Bạt Hổ để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quy hoạch chung sẽ được điều chỉnh: Quy mô dân số hiện trạng toàn thị trấn khoảng 7.128 người; Quy mô dân số thị trấn Tăng Bạt Hổ đến năm 2030 khoảng 8.230 người; Quy mô sử dụng đất đô thị đến năm 2030 khoảng 345ha.

Với mục tiêu nâng tầm đô thị thị trấn Tăng Bạt Hổ phát triển tương xứng với vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn huyện, huyện Hoài Ân từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, góp phần chỉnh trang, làm thay đổi diện mạo đô thị.

Hoài Ân trồng xây xanh tạo cảnh quan đô thị

Theo Báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng, năm 2020 huyện Hoài Ân thực hiện 12 công trình xây dựng giao thông, trong đó có nhiều công trình trọng điểm, công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các công trình tiêu biểu như: dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT630, đoạn Kim Sơn – Vực Bà (huyện Vĩnh Thạnh) có mức đầu tư 26,276 tỷ đồng; dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Ân Phong đi Ân Tường Đông, tổng mức đầu tư 29,493 tỷ đồng; dự án Nâng cấp tuyến đường Ân Hữu – ĐakMang, tổng mức đầu tư 19, 995 tỷ đồng; dự án Nâng cấp, cải tạo đường Ân Hữu đi ĐakMang, tổng mức đầu tư 6,998 tỷ đồng; dự án Xây mới tuyến đường từ Trạm điện – Cầu Tự Lực, tổng mức đầu tư 8,674 tỷ đồng; dự án Đường nội bộ khu dân cư Đồng Cỏ Hôi, tổng mức đầu tư 7,91 tỷ đồng; dự án Xây dựng nút giao thông Ngã 5 Trần Hưng Đạo – Hùng Vương, tổng mức đầu tư 3,996 tỷ đồng; khắc phục các điểm đen tuyến đường thị trấn Tăng Bạt Hổ đi Ân Phong, tổng mức đầu tư 14,940 tỷ đồng.

Hoài Ân đang xây dựng công trình Hồ Sinh Thái để tạo điểm nhấn, cảnh quan, chỉnh trang đô thị 

Song song các dự án giao thông nội bộ, huyện Hoài Ân đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm liên huyện như: Cầu Phú Văn nối liền huyện Hoài Ân với huyện Hoài Nhơn và Tuyến đường Ân Phong – Mỹ Trinh nối liền huyện Hoài Ân với huyện Phù Mỹ. Đồng thời, xây dựng 15 công trình dân dụng và 03 công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quang đô thị và một số công trình khác nhằm góp phần thay đổi diện mạo của khu trung tâm huyện, chỉnh trang đô thị huyện Hoài Ân.

Bên cạnh đó, Hoài Ân quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, chỉnh trang thị trấn Tăng Bạt Hổ, xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng được đồng bộ hóa; hệ thống điện thắp sáng đường quê phát triển mạnh mẽ; mạng lưới điện sinh hoạt đến được những nơi xa xôi nhất, đảm bảo 100% người dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và chất lượng.

Cuộc sống người dân Hoài Ân được nâng lên từng ngày nhờ phát triển kinh tế đa dạng. Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các CCN Dốc Truông Sỏi, Du Tự, Gò Bằng thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, giải quyết trên 500 lao động địa phương.

Chia sẻ với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Hữu Khúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: UBND huyện chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị thị trấn Tăng Bạt Hổ và các vùng phụ cận, miền núi theo hướng văn minh, sạch đẹp. Đến nay, nhiều tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Kết cấu hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hoài Ân có được diện mạo đô thị mới như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định cùng người dân đồng lòng hưởng ứng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từ nguồn kinh phí xã hội hóa để Hoài Ân từ vùng đất nghèo, cằn cỗi, trung du miền núi vươn lên xây dựng phát triển đô thị.

Biểu tượng vùng đất anh hùng và nơi trồng trà Gò Loi của huyện Hoài Ân

Đất Hoài Ân đang nổi tiếng với hai sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận là “Trà Gò Loi” và “Bưởi Hoài Ân”, mở ra hướng mới cho nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Đây là cơ hội giúp Hoài Ân mở cánh cửa phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, chất lượng sống cho người dân và trở thành mục tiêu, động lực Hoài Ân đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Hoài Ân vùng đất anh hùng vươn mình lên đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO