(TN&MT) - Ngày 20-2, hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh Bình Định nô nức lên chùa Ông Núi (thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định) tham dự lễ hội hằng năm được tổ chức định kỳ trong 2 ngày 24 và 25 tháng Giêng.
Theo ghi nhận, từ sáng sớm, con đường nhỏ dẫn lên chùa Ông Núi (còn gọi là Linh Phong Thiền Tự) đã đông nghịt người dân lên chùa dâng hương, cầu phúc. Tại nhiều đoạn tuyến, đặc biệt là hai nhánh lên chùa, chính quyền địa phương và ban tổ chức đã bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông, dân quân du kích, thanh niên tình nguyện túc trực chỉ dẫn, giữ gìn trật tự.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (55 tuổi, ở khu vực Huỳnh Kim, thị xã An Nhơn, Bình Định) vừa thoát khỏi dòng người chật ních đến nghẹt thở, ngồi nghỉ chân bên tảng đá lưng chừng đường lên núi, vừa hổn hển nói trong mồ hôi nhễ nhãi: “Hai năm nay tôi mới đi lại chùa Ông Núi. Biết năm nào cũng đông người đi lễ nên phải dậy từ 6 sáng, lo đi sớm cho ít người. Ai ngờ năm nay còn đông hơn các năm trước. Năm nay, lũ lụt dữ quá khiến mùa màng mất sạch. Bà con tui lên núi, trước là cầu cho đất nước thanh bình, cầu ông trời cho mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn, sau là cầu cho gia đình sức khỏe dồi dào, ấm no,hạnh phúc”.
Còn bác Nguyễn Thanh Ngân (57 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) vượt cả hơn 30 km về chùa Ông Núi cầu phúc. “Lộc thì ở đâu cũng có lộc, nhưng lộc nhiều quá thì lấy lộc ở đâu mà cho nên tui lên chùa chỉ để cầu phúc, cầu an mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, hạnh phúc đầm ấm, con cái, gia đình hòa thuận. Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi vẫn đầm ấm”- bác Ngân chia sẻ.
Chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định. Chùa Ông Núi được biết là ngôi chùa cổ rất đẹp, linh thiêng ở Bình Định. Vì lẽ đó, cứ vào ngày 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm người dân trong ngoài tỉnh đổ về ngôi chùa để cầu tài lộc, may mắn những ngày đầu xuân. Đây chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Viên Minh - trụ trì của chùa lúc sơ khai và là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo tỉnh Bình Định. Tương truyền, năm Nhâm Ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Nhà sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc. |
Hoàng Nguyên