Bình Định: Hàng ngàn hộ dân dọc tuyến đê Đông lo chạy lũ

21/09/2016 00:00

(TN&MT) - Đến nay, công trình nâng cấp và kiên cố hóa tuyến đê Đông (Bình Định) mới hoàn thành được 50% chiều dài tuyến đê. Mùa mưa bão năm nay, hơn 45 ngàn người dân sinh sống dọc tuyến đê Đông vẫn nơm nớp nỗi lo chạy lũ. 

50% hạng mục công trình tuyến đê Đông hoàn thành kiên cố
50% hạng mục công trình tuyến đê Đông hoàn thành kiên cố

Tuyến đê Đông là tuyến đê xung yếu, dài gần 50 km bảo vệ các xã phía Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Tuyến đê Đông bắt đầu từ phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, chạy dọc qua các xã phía Đông của huyện Tuy Phước, Phù Cát và kết thúc tại xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn. Trên toàn hệ thống có 56 công trình kiên cố và bán kiên cố với 23 tràn xả lũ, phân lũ và 34 cống tiêu. Ngoài ra, còn có nhiều công trình cống lấy nước, tràn phân lũ do người dân xây dựng để tiêu úng cục bộ.

Trước thực trạng toàn tuyến đê Đông được đắp bằng đất từ những năm 80 của thế kỷ trước ngày càng hư hỏng, cứ vào mùa mưa lũ, triều cường dâng cao, nước tràn vào ruộng đồng, nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi. Năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Định đã đầu tư 304 tỉ đồng để kiên cố hóa 23 km tuyến đê Đông và các công trình trên đê từ phường Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn) đến xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước).

24km đê chưa được nâng cấp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mùa mưa lũ
24km đê chưa được nâng cấp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mùa mưa lũ

Trong mùa mưa lũ năm nay, gần 150 ngàn nhân khẩu sinh sống dọc tuyến đê Đông gồm: Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn), Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước, Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) sẽ được bảo vệ an toàn, không còn nỗi lo chạy lũ. Ông Trần Kỳ Quang- Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Hệ thống đê Khu Đông được đầu tư nâng cấp kiên cố đã đáp ứng mong muốn của người dân địa phương. Trước đây, cứ vào mùa mưa lũ, do triều cường dâng cao, trong khi hệ thống đê “ốm yếu, ọp ẹp” nên người dân phải sống trong cảnh bất an, thấp thỏm. Bây giờ, khi hệ thống đê và các công trình trên đê được sửa chữa, nâng cấp kiên cố, vững chãi, bà con rất yên tâm. Ngoài ý nghĩa phục vụ tốt cho công tác phòng chống lũ lụt, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, việc kiên cố hóa hệ thống đê khu Đông còn giúp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho các xã ven đê được an toàn hơn”.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 20 km tuyến đê Đông vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp. Đáng lo lại là hơn 5 km đê qua địa bàn thôn Huỳnh Giản- xã Phước Hòa bị xuống cấp rất nghiêm trọng từ các mùa mưa lũ trước. Đáng lẽ, đoạn đê này phải được đầu tư nâng cấp từ lâu, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa thể bố trí được. Ông Huỳnh Văn Ngưu, 72 tuổi, người dân thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là nước lại tràn vào, chung quanh tứ bề một màu trắng toát. “Chỉ mong nhà nước tiếp tục nâng cấp, xây dựng một con đê đẹp như con đê khu Đông bên Kim Đông để cho bà con ổn định cuộc sống”- ông Ngưu chia sẻ.

Một điều đáng lo khác là trên toàn tuyến đê Đông hiện có trên 1.000 ngôi nhà của người dân xây dựng sát mặt đê, xâm phạm hành lang tuyến đê, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng đáng được quan tâm là tình trạng khai thác cát ven đê khu Đông có chiều hướng gia tăng, gây sạt lở bờ đê và nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Tại huyện Phù Cát, tình trạng khai thác cát trái phép đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua trên vùng hạ lưu sông Đại An thuộc địa bàn các xã Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng. Trên địa bàn các xã Phước Hòa, Phước Thuận (Tuy Phước), một số cá nhân đã lén lút dùng máy bơm công suất lớn để hút cát xây dựng trái phép tại các cửa sông Hà Thanh, sông Côn, gây sạt lở, xói rỗng chân đê.

Người dân vẫn nơm nớp nỗi lo khi còn nhiều tuyến đê cũ được đắp bằng đất từ những năm 80 của thế kỷ trước chưa được nâng cấp
Người dân vẫn nơm nớp nỗi lo khi còn nhiều tuyến đê cũ được đắp bằng đất từ những năm 80 của thế kỷ trước chưa được nâng cấp

Ông Lê Xuân Sơn- Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư từ Dự án chống biến đổi khí hậu tuyến đê Đông để sớm triển khai sửa chữa, nâng cấp tuyến đê này.

Trước mắt, để đối phó diễn biến bất thường của mưa lũ, tỉnh Bình Định kiện toàn lực lượng phòng chống thiên tai tại các xã dọc tuyến đê này, xây dựng phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”. Hiện nay, tại những điểm xung yếu trên toàn tuyến đê Đông, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn vật tư cần thiết để chủ động hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Hàng ngàn hộ dân dọc tuyến đê Đông lo chạy lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO