Theo báo cáo của UBND huyện Vân Canh, cơn bão số 12 vào tối ngày 10/11/2020 đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại cho địa phương khoảng 52,282 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là giao thông, thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt là 31,741 tỷ đồng.
Cầu Suối Mây thị trấn Vân Canh bị sập mố đã được gia cố tạm thời cho người dân đi lại |
Đến thời điểm hiện tại hầu hết các tuyền đường cầu giao thông trên địa bàn huyện Vân Canh đều được gia cố tạm thời để giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân địa phương được thông suốt.
Cầu Kà te từ xã Canh Thuận đi Canh Liên tạm gia cố chống sạt lở |
Giao thông đi lại cho người dân sau cơn bão số 12 được nhanh chóng xử lý kịp thời, thế nhưng đến thời điểm hiện tại cuộc sống người dân huyện Vân Canh vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt phía trước do hậu quả cơn bão số 12 để lại.
Nước suối chảy lớn làm sạt lở đất và kè dưới cầu Kà te |
Cơn bão số 12 gây thiệt hại 41,2ha lúa; 06ha hoa màu; 1,5ha cây trồng lâu năm; 6,5ha cây trồng hàng năm; 0,2 tấn lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng; 0,55ha đất nông nghiệp bị xói lở, sa bồi thủy phá; 448,1ha đất rừng. Tổng ước thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp khoảng 18,5 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa bão làm chết, cuốn trôi 168 con gia súc, 4115 con gia cầm với tổng thiệt hại là 1,2 tỷ đồng.
Nhiều diện tích đất bên sông, suối bị sạt lở do mưa lũ |
Những cơn số này cho thấy, cơn bão số 12 cùng mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho người dân huyện Vân Canh, đẩy gia đình họ rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ nần, mất đất sản xuất, mất rừng sản xuất, mất nguồn sinh kế nuôi sống của cả gia đình. Bởi, phần lớn người dân trong huyện sinh sống chủ yếu từ nông, lâm nghiệp với hai loại cây trồng chủ lực là keo và mì.
Nhiều diện tích keo bị gió, bão quật ngã nằm rạp dưới đất |
Theo người dân chia sẻ với PV Báo TN& MT, cơn bão số 12 cuốn trôi đất sản xuất hoa màu, phá hủy các loại cây trồng nhất là cây keo độ 2-3 tuổi đang trong thời kỳ phát triển đều bị gió, bão quật ngã làm gãy đọt, khiến cây không thể tiếp tục sống, sinh trưởng và phát triển chờ đến ngày thu hoạch.
Chị Cao Thị Lệ Nhung ở thôn Thịnh Văn, xã Canh Thuận nghẹn ngào chia sẻ: Gia đình trồng hơn 3ha cây keo và mua keo nơi khác, nhưng năm nay mưa bão làm nhiều diện tích cây keo bị ngã rạp xuống đất thấy mà đau xót. Tiền đầu tư tính tiền hàng trăm triệu chứ đâu phải tiền chục triệu mà giờ thiên tai gây ra đành chịu biết làm sao được. Cây keo bị gió bão quật ngã làm gãy đọt là coi như chết không thể phục hồi những diện tích bị đổ ngã được.
Nhiều diện tích cây mì đang thời kỳ thu hoạch |
Không chỉ cây keo mà cây mì của người dân trồng cũng bị thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích trồng mì bị nước lũ cuốn trôi, mất mì mất luôn cả diện tích đất canh tác mì hàng năm. Trong đợt thu hoạch mì vụ này, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay xót xa.
Người dân thu hoạch cây mì |
Chia sẻ nỗi niềm về những thiệt hại của gia đình trong cơn bão số 12, bà Nguyễn Thành Văn ở thôn Thịnh Văn, xã Canh Thuận cho biết: Khu vực trồng mì của gia đình tôi nằm ven sông Hà Thanh nên bị nước lụt cuốn trôi gây thiệt hại 40-50 triệu đồng, coi như năm nay gia đình mất trắng mùa thu hoạch mì. Bây giờ để trang trải cuộc sống cho gia đình, tôi đi nhổ mì thuê cho người ta với giá tiền công 200 ngàn/ngày. Do trong đợt cao điểm thu hoạch mì bán cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Vân Canh nên có giá thuê như vậy. Thu hoạch mì xong lại kiếm việc khác làm.
Bà Văn chua xót nói: Năm nay mưa lũ nước vào nhà quá lớn, nước ngập đến nóc nhà nên người dân không kịp trở tay chỉ lo chạy thoát thân, vì thế mà tất cả đều bị cuốn trôi hết. Sau mưa bão, chính quyền hỗ trợ mỗi hộ 5kg và nhu yếu phẩm để bà con có cái ăn trước mắt nhưng lâu dài vẫn là ổn định cuộc sống cho họ.
Người dân làm thuê nhổ mì mưu sinh |
Làm việc và chia sẻ với PV, ông Sô Y Lũy – Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Sau bão số 12 trên địa huyện bị thiệt hại rất nhiều nên chúng tôi tập trung giải quyết từng việc một. Trước tiên là ưu tiên khắc phục nhiều tuyến đường, cầu giao thông sập lún, sạt lở bị chia cắt để giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân và đến nay cơ bản các tuyến đường trong huyện đã thông suốt.
Tiếp đến, khó khăn nhất là giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại sau bão và khôi phục sản xuất để người dân sớm ổn định lại cuộc sống. UBND huyện đang bàn nhiều phương án chuyển đổi vật nuôi như heo đen, dê bách thảo để tạo nguồn thu nhập kinh tế cho người dân, từ đó nâng cao giá trị kinh tế địa phương cũng như khắc phục những thiệt hại về kinh tế do mưa bão gây ra.