Biến đất rừng thành của riêng rồi vô tư chuyển nhượng
Thời gian gần đây, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, phản ánh về tình trạng lấn, chiếm đất rừng và phá rừng để trồng keo của một số đối tượng trên địa bàn xã. Thậm chí, trong số các đối tượng này có sự tham gia của lãnh đạo xã Mỹ Hiệp từ năm 2014 đến nay nhưng chưa bị phát hiện để xử lý.
Từ thông tin trên, phóng viên tìm cách tiếp cận hiện trường khu vực rừng bị phá và lấn, chiếm để trồng keo, tuy nhiên do diện tích rừng rộng, đường từ dốc dài lên núi Hòn Vung và qua hồ Trí Hòa thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp đi lại khó khăn, nguy hiểm trơn trượt.
Để vào được bên trong khu vực rừng bị lấn, chiếm, chặt phá trồng keo theo người dân phản ánh, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường vào vai người đi mua đất rừng sản xuất và được một người đàn ông có đất rừng tại khu vực núi Hòn Vung dẫn đường vào thăm rừng với mục đích giới thiệu vị trí đất rừng của mình để bán lại cho chúng tôi.
Trên đường đi vào khu rừng trồng cây keo, người đàn ông cho biết, ông đã thực hiện việc lấn, chiếm đất rừng với diện tích hàng chục ha. Trong đó có hơn 10 ha đất rừng đã phát dọn và trồng keo từ nhiều năm nay. Người này cho biết, còn một người khác là cán bộ lãnh đạo xã Mỹ Hiệp cũng thực hiện việc lấn, chiếm đất rừng tại đây với diện tích trên 10 ha. Người này rao bán lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm để trồng keo với giá 120 triệu đồng/ha.
Phóng viên ghi nhận thực tế, khu vực xung quanh hồ Trí Hòa, dốc dài và núi Hòn Vung có nhiều diện tích đất rừng đang được trồng keo để khai thác. Đặc biệt khu vực đầu nguồn hồ Trí Hòa vốn là khu vực quy hoạch cho rừng phòng hộ cũng bị lấn, chiếm phát dọn để trồng keo. Nhiều cây gỗ rừng có đường kính từ 10- 20 cm bị chặt phá, nằm ngổn ngang và bên cạnh gốc cây rừng là những cây keo mới nhú lên.
Xác minh vụ việc và mở rộng điều tra
Trước khi có buổi làm việc vào sáng ngày 29/6/2022, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin vụ việc trên với lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Định và lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ để xác minh cụ thể thông tin và hẹn lịch làm việc.
Sáng ngày 29/6, ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường và xác nhận sự việc trên là đúng sự thật.
Ông Lê Đức Sáu cho biết: Sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm Phù Mỹ vào cuộc xác minh tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ để trồng cây lâm nghiệp trái phép. Cơ quan chức năng phát hiện 11,51 ha rừng trồng trên đất quy hoạch phát triển rừng, rừng trồng xen trong rừng tự nhiên chức năng phòng hộ.
Cụ thể là rừng trồng trên đất quy hoạch chức năng phòng hộ với diện tích 0,5 ha; rừng trồng trên đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất với diện tích 9,42 ha; rừng trồng cây keo trong rừng tự nhiên, diện tích là 1,59 ha. Các đối tượng đã chặt toàn bộ cây gỗ có đường kính gốc (sát mặt đất) từ 8- 20 cm, để lại cây gỗ lớn có đường kính ngang ngực từ trên 20 cm và trồng xen cây keo lai vào.
Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ làm việc với các hộ dân có liên quan đến việc trồng cây lâm nghiệp trái phép tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, xã Mỹ Hiệp gồm: Ông Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1957) ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1971), ông Hà Văn Thanh (sinh năm 1970) cùng trú tại thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp. Hộ dân xâm hại rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ để trồng cây keo lai là ông Châu Thanh Vương (sinh năm 1989), trú tại thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp.
Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ làm việc với ông Nguyễn Văn Tố - Phó Giám đốc phụ trách – Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ cho biết diện tích rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 xã Mỹ Hiệp, Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ quản lý, bảo vệ.
Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ làm việc với ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết, diện tích đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất và rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 là do UBND xã Mỹ Hiệp quản lý, bảo vệ.
Làm việc với phóng viên, ông Lê Đức Sáu Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: Với địa bàn rộng lớn nên việc quản lý diện tích đất rừng trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc đo đạc để triển khai phủ xanh đất trống, đồi trọc cũng chưa được chính xác. Hiện tại, tỉnh Bình Định vẫn chưa có kinh phí để đo đạt, lập bản đồ địa chính để giao cho các chủ rừng và hộ gia đình. Do vậy, việc lấn chiếm đất rừng có xảy ra ở một số nơi, trong đó có vụ việc tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.
“Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý vụ việc. Riêng đối với thông tin có cán bộ lãnh đạo xã Mỹ Hiệp tham gia lấn, chiếm đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, ông Lê Đức Sáu cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ, khi có thông tin sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Lê Đức Sáu nói.
Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, vụ việc lấn chiếm đất rừng xảy ra tại xã Mỹ Hiệp rất phức tạp, hiện địa phương đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh điều tra làm rõ. Quan điểm của lãnh đạo huyện là sẽ xử lý nghiêm để răn đe và không có vùng cấm. Đầu tháng 7 năm 2022 mới có kết quả kiểm tra vụ việc và sẽ thông tin đến Báo Tài nguyên và Môi trường.