Bình Định: Cương quyết xử lý cán bộ có hành vi "bảo kê" hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy.

15/12/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Võ Đình Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Bình Định nếu phát hiện cán bộ Chi cục có hành vi “bảo kê”cho các đối tượng hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản bằng xung điện, xiếc máy với phóng viên Báo TN&MT.

Hiện nay tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản bằng xung điện, xiếc máy, giã cào và dùng chất nổ để khai thác, tận diệt nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại,  đầm Đề Gi, Trà Ô vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi khó bắt giữ phương tiện cũng như các đối tượng hơn trước đây.

Đầm Thị Nại có diện tích 5.000 ha, một trong những đầm phá lớn nhất miền Trung với hệ sinh thái phong phú đa dạng, vườn ươm các giống loài thủy sản quý.
Đầm Thị Nại có diện tích 5.000 ha, một trong những đầm phá lớn nhất miền Trung với hệ sinh thái phong phú đa dạng, vườn ươm các giống loài thủy sản quý.

Trên địa bàn Bình Định có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng để khai thác thủ sản khiến trên 40% lượng thủy sản còn non bị đánh bắt cạn kiệt, tác động xấu đến các hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh.

Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, ngăn chặn nạn sử dụng xung điện, xiếc máy để khai thác nguồn lợi thủy sản trên đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ô và các vùng ven biển. Qua kiểm tra phát hiện xử lý 28 trường hợp vi phạm.

Đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên đầm Thị Nại
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên đầm Thị Nại

Thế nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên sử dụng phương tiện này để khai thác đánh bắt thủy sản, nhất là vào thời điểm buổi chiều đến đêm khuya. Tại các thôn Đức Phổ 1, Đức Phổ 2, xã Cát Minh và thôn Ngãi An, xã Cát Khánh của huyện Phù Cát có hàng chục ghe máy giơ cao gọng xiếc ngay giữa ban ngày trên đầm Đề Gi.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, sở dĩ các đối tượng khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy không bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ là vì các đối tượng hoạt động khai thác tinh vi hơn trước. Đối tượng không đi riêng lẻ cá nhân mà đi tập thể đông người, thông báo nhau qua điện thoại và tập kết tại một điểm xuất phát. Cùng với đó một số cán bộ làm nhiệm vu có dấu hiệu, hành vi “bảo kê” hoạt động này.

Một người dân sống ven đầm Thị Nại cho chúng tôi biết: “Càng cấm khai thác thì hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy càng hoành hành, tinh vi, đối tượng khai thác cũng đông hơn vì phải chung chi tiền cho cán bộ địa phương, ngành thủy sản “bảo kê” và tiền “bảo kê” cũng tăng gấp số nhân trong thời điểm tuần tra chặt chẽ của cơ quan chức năng”.

Ghe xiếc máy đậu dọc ven đầm Đề Gi tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát.
Ghe xiếc máy đậu dọc ven đầm Đề Gi tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Võ Đình Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Bình Định cho biết: “Chi cục luôn phối hợp với chính quyền địa phương các xã ven đầm, ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý bắt giữ các đối tượng, phương tiện đánh bắt nguồn lợi thủy sản bằng xung điện, xiếc máy. Kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi một số quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh để có chế tài xử lý mạnh hơn đối với các đối tượng khai thác nguồn lợi thủy sản trái pháp luật. Bên cạnh đó Chi cục Thủy sản thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho bà con ngư dân sống ven đẩm, ven biển. Đây mới chính là nguồn gốc của vấn đề để chấm dứt nạn khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy, giã cào và dùng chất nổ làm tận diệt nguồn lợi thủy sản”. Nếu có đơn người dân tổ cáo hoặc phát hiện cán bộ Chi cục có hành vi “bảo kê” cho đối tượng hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy chúng tôi sẽ cương quyết xử lý ông Tâm khẳng định

Phong trào thi đua Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ nay đến năm 2020 là sự tham gia đồng bộ, nhiệt tình của toàn bộ hệ thống chính trị ở các địa phương ven biển, ven đầm, các cơ quan chức năng, các lực lượng vũ trang, nhằm bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, ổn định và từng bước cải thiện đời sống ngư dân, giữ vững an ninh vùng biển.

Mỹ Bình 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cương quyết xử lý cán bộ có hành vi "bảo kê" hoạt động khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO