Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cũng yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT phối hợp với UBND xã Phước Hưng tìm hiểu vụ việc, báo cáo trách nhiệm của ngành trong công tác quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non Mai Anh.
Sau sự việc này, ông Nguyễn Tuấn Thanh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản về việc đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh này. Việc rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh phải được hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh Bình Định trước ngày 15/4/2018.
Theo ông Thanh, công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã được ngành giáo dục và đạo tạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn còn trường hợp hoạt động của một số cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chưa đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, gây mất an toàn cho trẻ, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục và nuôi dạy trẻ.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, khẩn trương lập kế hoạch, thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của toàn bộ các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh.
Chỉ được cấp phép hoạt động đối với cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đúng, đủ các quy định về chất lượng giáo viên, bảo mẫu; về cơ sở vật chất trang thiết bị; đáp ứng được điều kiện chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thì kiên quyết không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép.
Kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm trong hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tình yêu thương trẻ trong đội ngũ giáo viên mầm non và cán bộ quản lý; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non.
Đối với UBND các huyện, thị xã và thành phố cần thường xuyên và đột xuất tiến hành kiểm tra hoạt động, kịp thời phát hiện và có biện pháp bổ sung đảm bảo an toàn cho trẻ hoặc kiên quyết xử lý với trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại cơ sở giáo dục mầm non…
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể: tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ phối hợp với Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn.
Như Báo điện tử Tài Nguyên - Môi trường đã thông tin, trưa 23/3, cháu T.M.T tử vong tại cơ sở giáo dục mầm non Mai Anh, nghi do sặc cháo. Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), cho biết: “Cách đây khoảng 3 năm, 2 chị em chị Kim Trúc Phương ở thôn Quảng Nghiệp xin phép được mở nhóm trẻ gia đình, nhận giữ các cháu từ 4 - 5 tuổi trở lên. Sau 1 thời gian hoạt động, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thì phát hiện cơ sở giữ trẻ này không đủ điều kiện từ con người đến cơ sở vật chất, nên đã đình chỉ hoạt động.
“Từ đó đến nay, nhà giữ trẻ Mai Anh cứ đóng kín cả cổng cả cửa nên chính quyền địa phương không phát hiện được cơ sở này đã lén lút hoạt động trở lại. Đến ngày 23/3, nhận được tin có trẻ gửi ở cơ sở giữ trẻ Mai Anh bị chết, chính quyền đến kiểm tra thì chủ lớp trẻ khai là có nhận 5 trẻ do người nhà gửi giữ, lúc đó mọi chuyện mới phát giác”, ông Tân cho hay.