Cầu Tân Xuân là cây cầu nối từ thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông qua thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây của huyện Hoài Ân với qui mô cầu vượt lũ cấp IV, theo đỉnh lũ lịch sử năm 1997, dài 151,52m, rộng 3m, nhịp tránh xe rộng 6m, tải trọng 0,5HL9 với tổng vốn đầu tư 10,2 tỷ đồng.
Thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây có trên 400 hộ dân sinh sống. Đây là vùng đất trũng trù phú, một bên bao bọc bởi sông An Lão, một bên là đồng ruộng nên giao thông hết sức khó khăn, thường xuyên bị cô lập khi có lũ lớn, đặc biệt trận lũ lịch sử năm 1987 đã làm chết 7 người và nhà cửa, tài sản của nhân dân trong thôn bị trôi gần như hoàn toàn.
Cầu Tân Xuân khánh thành mang đến niềm vui chung cho bà con hai xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây, nhất là người dân thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu sau khi cầu đưa vào sử dụng đã bộc lộ chất lượng xuống cấp của công trình khiến người dân hoang mang nghi ngờ về thiết kế, kỹ thuật xây dựng công trình không đảm bảo và lo lắng cầu bị xung yếu, sập bất cứ lúc nào nêu như không được kiểm tra và sửa chữa kịp thời.
Một người dân ở thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây chia sẻ: Dân chúng tôi đang rất bức xúc về chất lượng xây dựng cầu Tân Xuân. Cụ thể là tại vị trí dưới trụ của nhịp cầu thứ hai tính từ phía thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông nhìn sang đã bong tróc lớp bê tông xung quanh rọ trụ lòi lõi sắt ra ngoài. Trên mặt nước sông thì thấy rõ còn dưới mặt nước sông không thấy rõ, chúng tôi càng lo lắng hơn. Điều chúng tôi nghi ngờ liệu bên trong lõi sắt có đổ bê tông hay chỉ là lõi sắt. Đây là cây cầu dân sinh, họ xây cho có hay mang ý nghĩa phục vụ cho người dân. Chưa được hai năm mà cầu đã như thế này, nhiều năm nữa chất lượng cây cầu càng xuống cấp sẽ nguy hiểm đến tính mạng người dân.
PV làm việc với UBND xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây, cán bộ hai xã đều không biết thông tin cầu Tân Xuân, chỉ được tham dự vào ngày ban giao cây cầu cho địa phương quản lý và có nghe người dân báo lại về tình trạng xuống cấp của cầu.
Làm việc với UBND huyện Hoài Ân, ông Nguyễn Hữu Khúc- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân thông tin cầu Tân Xuân nằm trong đề án 186 cầu treo dân sinh cho 28 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên của Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền Ban quản lý Dự án Công trình giao thông vận tải Bình Định giám sát quản lý thi công. UBND huyện chỉ được dự vào ngày bàn giao công trình.
PV tìm hiểu thì cầu Tân Xuân nằm trong danh mục dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (gọi là dự án LRAMP). Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020. Chương trình được thực hiện trên phạm vi 5.237 xã thuộc 450 huyện của 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc miền núi trong đó có tỉnh Bình Định. Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Danh mục số lượng cầu dân sinh tại tỉnh Bình Định cầu treo giai đoạn 1: 3 cái, giai đoạn 2: 3 cái và 23 cầu cứng. Trong đó, huyện Hoài Ân có cầu Nhơn Sơn, Phú Trị, Hậu Phú, Tân Xuân nằm trong danh mục này.
Cầu Tân Xuân mới đưa vào sử dụng chưa đầy hai năm đã xuống cấp, chính quyền địa phương nhận bàn giao quản lý công trình nhưng còn mơ hồ về thông tin công trình trong khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình có một nhà thầu tại huyện Hoài Ân và hai nhà thầu từ nơi xa tới. Như vậy “ai” sẽ có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa kịp thời tình trạng xuống cấp cầu Tân Xuân và có câu trả lời giải tỏa nỗi nghi ngờ, hoang mang, lo lắng của người dân?!.