Bình Định: Cầu An Liên bị sập chia cắt 1.600 hộ dân hai xã An Dũng, An Vinh huyện An Lão

Mỹ Bình | 07/11/2019 15:06

(TN&MT) - Cầu An Liên bắc qua sông An Liên là con đường độc đạo để người dân ba xã An Trung, An Dũng, An Vinh, huyện An Lão qua lại hàng ngày. Thế nhưng, cơn bão số 5 ghé qua đã làm sập cây cầu khiến cho 1.600 hộ dân hai xã An Dũng, An Vinh bị cô lập. Người dân phải liều mình băng qua tấm ván gỗ tạm mới có thể qua cầu.

Cầu An Liên bắc sông An Liên tồn tại hơn 20 năm, nó là con đường duy nhất để người dân xã An Vinh, An Dũng qua An Trung đi ra trung tâm huyện An Lão và các vùng lân cận. Do xây dựng nhiều năm cộng với mưa lũ hàng năm, cây cầu đã không còn sức chống chọi với cơn cuồng phong của gió, bão, lũ cùng nhau kéo đến.

Cầu An Liên bắc qua sông An Liên bị sập, người dân dùng tấm ván để đi qua cầu

Nằm trên địa phận xã An Dũng trong khu vực dự án Hồ chứa nước Đồng Mít, nên cây cầu không được xây dựng nâng cấp. Bởi vậy, năm nào mưa lũ về An Dũng, cầu An Liên đều bị tổn thương, hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng và trong cơn bão số 5 vừa qua, nó thật sự không thể trụ nỗi trước sức mạnh của bão.

Người phụ nữ có xe máy muốn qua cầu phải đứng chờ nhờ đàn ông giúp đưa xe qua cầu

Cầu An Liên bị sập ba nhịp chính, tổng chiều dài bị sập 24m, tuyến giao thông từ xã An Vinh, An Dũng về huyện bị chia cắt, nhân dân hai xã bị cô lập.

 

Không còn đường để đi qua sông, người dân An Dũng, An Vinh vẫn liều mình băng qua cầu để ra trung tâm huyện An Lão

Không còn đường để đi qua sông, người dân An Dũng, An Vinh vẫn liều mình băng qua cầu để ra trung tâm huyện An Lão. Ngày sau cơn bão số 5, cầu bị sập người dân dùng cây tre bệt lại, nhưng mấy hôm nay họ dùng tấm ván gỗ dài bắc qua cầu để đi lại.

Người phụ nự đi bộ qua cầu 

Nhưng chỉ có đàn ông mới có thể qua cầu, còn phụ nữ phải đi bộ, chị em nào có xe máy đứng chờ và gọi người đàn ông nào đó giúp mình đưa xe qua cầu. Cứ thế, hàng ngày người dân vẫn qua cầu An Liên để mưu sinh và dường như với họ, đó là việc quá quen thuộc khi họ sinh sống nơi đây.

Cây cầu bị sập mố nằm trơ trọi dưới sông, một tấm bán gỗ dài được bắc qua sông

Đường đến nơi cây cầu An Liên bị sập cũng không dễ dàng gì, vì đường lầy lội, trơn trợt, đất và đất chồng lên nhau do đang thi công dự án Hồ chứa nước Đồng Mít.

Người dân đứng bên kia cầu lần lượt qua sông 

Nhờ sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi cũng tới được cầu An Liên. Hình ảnh chúng tôi bắt gặp là cây cầu bị sập mố nằm trơ trọi dưới sông, một tấm bán gỗ dài được bắc qua sông và mọi người vẫn đi qua sông.

Người đàn ông liều mình qua cầu ván gỗ

Đằng xa, một đám trẻ con đang câu cá, nô đùa vui vẻ dưới sông An Liên, có lẽ việc cầu An Liên bị sập không làm ảnh hưởng đến nỗi bận tâm, lo lắng của chúng.  

Đám trẻ con đang câu cá, nô đùa vui vẻ dưới sông An Liên

Làm việc với Pv Báo TN&MT, ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Cầu An Liên có chiều dài 150m, đầu tư xây dựng khoảng hơn 10 tỷ đồng từ 20 năm trước. Cầu bị sập phải dùng tấm ván gỗ đi tạm, ngay đầu cầu có chốt cử người túc trực ở đó, khi chị em phụ nữ đi qua cầu thì những người tại chốt sẽ giúp họ. Đây là cách duy nhất để tạm qua sông. Qua ngày 23 tháng 10 âm lịch, mưa bão không kéo đến nữa, lúc đó mới tiến hành gia cố, đóng dầm sắt, thép sửa chữa lại cầu. Nhưng sau này chỉ có người đi bộ trên cầu, xe ô tô, xe cơ giới phải đi dưới sông để bảo đảm an toàn cho cầu.

Cầu An Liên bị sập khiến cho 1.600 hộ dân hai xã An Dũng, An Vinh bị cô lập

Khi rời nơi cầu An Liên bị sập để quay trở ra trung tâm huyện An Lão, điều chúng tôi lo nghĩ, không biết tấm ván gỗ ấy có qua nỗi trận bão, mưa, lũ kế tiếp hay không? Chúng tôi hy vọng một con đường mới sẽ mở ra cho người dân nơi đây, khi dự án Hồ chứa nước Đồng Mít hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cầu An Liên bị sập chia cắt 1.600 hộ dân hai xã An Dũng, An Vinh huyện An Lão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO