Để tiếp cận gần hơn với hiện trường khai thác hút cát lấy phễnh của những người chuyên đi khai thác bất hợp pháp, chúng tôi đã thuê một chiếc ghe của một người đàn ông đang sinh sống tại thôn.
Trên chiếc ghe nhỏ, người ngư dân đưa chúng tôi đến khu vực đang khai thác lấy phễnh bằng máy hút cát. Chứng kiến và đếm có khoảng gần 30 chiếc máy nổ chia thành từng tốp nhỏ đang nổ vang một góc đầm để hút cát. Cát phun lên như vòi rồng khiến cho mặt nước cuồn cuộn dậy sóng bất thường không êm ả như đặc trưng vốn có của nước đầm Thị Nại do con sông Hà Thanh chảy ra.
Những nơi nào không có hoạt động khai thác phễnh thì nước đầm trong xanh man mát, nơi nào có hoạt động khai thác phễnh thì nơi đó nước đục ngàu vì bùn đất từ lớp nền đáy dội lên mặt nước trên đầm Thị Nại.
Theo như lời người dân địa phương cho biết thì phễnh là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ - một đặc sản của miền sông nước, sinh sống tại các vùng nước đầm lầy. Không nơi nào có phễnh thơm ngon bằng phễnh ở đầm Thị Nại vì con phễnh mập, chắc, thịt béo và thơm ngon hơn so với những con phễnh sinh sống nơi vùng nước đầm lầy khác.
Một người dân ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận kể chúng tôi nghe về nghề khai thác phễnh: Trước đây người ta khai thác phễnh theo phương pháp thủ công, đồ nghề của người đào phễnh khá đơn giản chỉ dùng vá đào, rổ, bịch nilon hoặc giỏ xách để đựng phễnh. Phễnh đào xong phải đãi cho sạch cát. Phễnh lớn để ăn, phễnh nhỏ làm thức ăn nuôi tôm, nuôi vịt.
Do đánh bắt phễnh bằng phương pháp thủ công nên sản lượng thu được không nhiều, vì vậy những năm gần đây trên khu vực đầm Thị Nại nhất là vùng cửa sông Hà Thanh ở xã Phước Thuận xuất hiện một phương thức đánh bắt phễnh mới là dùng máy bơm hút phễnh.
Thời gian đầu, số hộ dân hành nghề hút phễnh có khoảng 14 hộ khởi phát đầu tiên ở thôn Diêm Vân và đến nay số hộ dân tự phát làm nghề này lên đến cả trăm hộ, phổ biến ở 3 thôn Diêm Vân, Quảng Vân và Bình Thái của xã Phước Thuận và lan ra cả xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Công cụ khai thác là một máy nổ có công suất khoảng 20 CV trở xuống được nối với hệ thống ống hút, đầu ống hút được gắn với thiết bị cày xới di chuyển, sục tung nền đáy hút hết hỗn hợp nước, bùn, cát và các loài động, thực vật đang sinh sống và ẩn nấp ở lớp dưới bề mặt đáy. Ống thoát nước được đưa qua lưới lọc để thu lại các loài thuỷ sản như nghêu, sò, ốc, hến, vẹm, phễnh.
Tất cả các thiết bị đều được lắp trên bè cá. Phương pháp đánh bắt trên đã gây xáo trộn nền đáy và phá hủy thảm thực vật biển, gây ô nhiễm, phá hủy môi trường sinh thái của các loài thủy sinh vật khác.
Đồng thời, việc bơm hút như trên sẽ tạo ra những đụn cát lớn và những hầm hố trên đầm dẫn đến việc thay đổi dòng chảy, thuyền bè đi lại thường hay bị mắc cạn và đôi khi cũng có những tai nạn đáng tiếc cho con người khi lội bộ qua sông bị sụt lún vào những hố sâu. Chính điều này làm cho những hộ dân nuôi trồng thủy sản quanh đầm Thị Nại và cả những người đang ngày đêm bảo vệ và chăm sóc cánh rừng ngập mặn trong khu vực Cồn Chim trên đầm Thị Nại rất bức xúc.
Làm việc với phóng viên Báo TN&MT về vấn đề này, ông Nguyễn Công Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông Nghiệp-PTNT Bình Định cho biết: Đánh bắt thủy sản bằng xung điện xiết máy và hút phễnh bằng máy nổ đều bị nghiêm cấm trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tại Bình Định. Những hoạt động khai thác này đã tồn tại từ lâu, Chi cục Thủy sản liên tục phối hợp với các địa phương, các lực lượng chức năng vận động, tuyên truyền người dân về tác hại của việc khai thác thủy sản không đúng quy định và đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Theo ông Nguyễn Công Bình, trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với UBND huyện Tuy Phước và Phòng Nông nghiệp, UBND xã Phước Thuận tuần tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, trong đó có hoạt động khai thác hút cát lấy phễnh gây ô nhiễm môi trường hệ sinh thái đầm Thị Nại.