Bình đẳng giới trong giảm nhẹ thiên tai: Còn mờ nhạt!

20/07/2017 00:00

(TN&MT) - Sự tham gia của phụ nữ, đặc biệt, ở cấp cơ sở khá mờ nhạt và chưa thể hiện được vai trò quan trọng trong các chương trình và hành động liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội thảo Bình đẳng giới trong thích ứng BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai do UNDP vừa tổ chức.

Thực tế cho thấy, phụ nữ thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai, đồng thời, cũng là những người đầu tiên chuẩn bị cho cả gia đình ứng phó và đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau khi xảy ra thiên tai. Từ năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trở thành thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cùng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp và đã có nhiều đóng góp. Tuy vậy, ở cấp cơ sở, việc để phụ nữ tham gia công tác này vẫn có phần mang tính hình thức, nhìn chung, những ý kiến phụ nữ đưa ra được áp dụng nhiều hơn so với nam giới trong công tác PCTT và ứng phó BĐKH.

Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tại Việt Nam, phụ nữ thường bị thiệt hại nặng nề hơn do thiên tai, nhưng không nên chỉ nhìn họ qua “lăng kính” dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chính là đối tượng nắm giữ các giải pháp và kiến thức giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Đối với những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do BĐKH như Việt Nam, vai trò của phụ nữ trong ứng phó, phục hồi, thích nghi với thiên tai và tác động tiêu cực càng phải được quan tâm hơn.

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong hành động liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: MH
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong hành động liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: MH

Yếu tố giới đã được lồng ghép vào nhiệm vụ thích ứng trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, nhưng chưa có kế hoạch chi tiết về khung chính sách và những hành động cụ thể để triển khai ở các địa phương. Theo bà Chu Thanh Hương, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), kế hoạch thích ứng quốc gia đang trong quá trình thảo luận nên các bên quan tâm vẫn có thể đề xuất ý kiến và vấn đề cần chú trọng là làm sao kết nối được nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, NGOs… vào những hành động, dự án cụ thể. Cục BĐKH với vai trò là đầu mối triển khai NDC tại Việt Nam rất hoan nghênh những đóng góp thông tin các hoạt động về giới liên quan đến ứng phó BĐKH tại Việt Nam. Kết quả các hoạt động này sẽ được tổng hợp trong thông báo quốc gia, báo cáo cập nhật về những nỗ lực của Việt Nam cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH.

Đồng quan điểm cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh - đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) đề nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ và UNWomen cần phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các tiêu chí trong hướng dẫn đầu tư cho các dự án BĐKH và tăng trưởng xanh xem chỉ số nào có thể giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ, lồng ghép như thế nào trong việc ra quyết định.

Theo bà Trinh, nên có đánh giá về việc ý kiến của phụ nữ được ghi nhận như thế nào trong các cuộc họp, thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch PCTT, ứng phó BĐKH. Vị thế của họ sẽ được nâng cao nếu năng lực của họ được đóng góp tối đa. Thực tế hiện nay, chưa có kênh thông tin nào của Hội Phụ nữ để lồng ghép vào các báo cáo kỹ thuật gửi đến Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, khi xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới cần chỉ ra mối liên quan giữa giới và các lĩnh vực, hoạt động cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là cách để tiếng nói của phụ nữ có sức nặng hơn.

Liên quan đến những nỗ lực tăng cường vai trò của phụ nữ trong PCTT, bà Đàm Thị Hoa, đại diện Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đang triển khai cam kết thực hiện Khung Hành động Sendai (2015 - 2030) về giảm rủi ro thiên tai. Trong hướng dẫn xây dựng kế hoạch có đề cập đến những nội dung, khuyến nghị tăng sự tham gia của Hội Phụ nữ các cấp. Cụ thể, có Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đề án này đã giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xác định rủi ro, lập kế hoạch phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai ở khoảng 1.700/6.000 xã mục tiêu. Bên cạnh đó, phụ nữ sẽ được ưu tiên tham gia các hoạt động của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng ven biển trước thiên tai và BĐKH” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giới trong giảm nhẹ thiên tai: Còn mờ nhạt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO