Thảo luận một số ý kiến đóng góp cho Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho biết, trong nghị quyết cũng cần có cơ chế quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Đây là vấn đề nóng và nan giải trong suốt những năm qua.” – Đại biểu Giang nhấn mạnh.
Đại biểu Cao Thị Giang |
Thực tế cho thấy tỷ lệ lao động nữ của 53 dân tộc thiểu số không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 26,82%, cao gấp đôi so với tỷ lệ này của lao động nam dân tộc thiểu số và cao hơn gấp 5 lần so với lao động nữ là người Kinh.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm của lao động nữ dân tộc thiểu số chậm và gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ phong tục, tập quán, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật hạn chế, rào cản ngôn ngữ và khả năng tiếp cận thụ hưởng từ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, cải thiện việc làm.
Chính vì thế, trong giải pháp về vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái cần tiếp tục đầu tư chính sách hỗ trợ cho thôn bản, chính sách cho phụ nữ dân tộc thiểu số được khám thai theo định kỳ và sinh đẻ tại các cơ sở y tế.
Chính sách và tiền chi hội phụ nữ thôn bản vùng dân tộc thiểu số.
Chính sách cử tuyển và tuyển dụng phụ nữ dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ quan chính quyền địa phương sau khi tốt nghiệp. Bởi vì khi phụ nữ được tham gia vào chính quyền, các tổ chức cộng đồng, họ sẽ được góp ý kiến trước quá trình hoạch định đường lối, chủ trương.
Từ đó chủ trương, chính sách sẽ mang yếu tố giới, không bị xa rời cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng giải pháp tuyên truyền các chính sách pháp luật về giới, bình đẳng giới cho cả phụ nữ và nam giới để bảo đảm họ hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Cao Thị nhấn mạnh thêm, “trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chúng ta cần ý thức rằng để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần cho đồng bào các cơ chế, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giúp đồng bào tự tay làm ra sinh kế, bảo đảm có đủ điều kiện để bảo tồn các giá trị văn hóa và sống hài hòa với thiên nhiên, đây là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm đúng mức.” - đại biểu Giang nói.