Biến rác thành tài nguyên: Đường còn xa

08/10/2013 00:00

Ở nhiều nước, tái chế phế liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

(TN&MT) Ở nhiều nước, tái chế phế liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Còn ở Việt Nam, mặc dù TP.HCM đã triển khai việc phân loại rác tại nguồn từ năm 1999, tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thành công như mong đợi.
   
Nhìn ra thế giới
   
   
  Theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu Mỹ (ISRI), mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ đóng góp cho nền kinh tế nước này trên 90 tỷ USD, chiếm 0,6% GDP và tạo ra gần 460.000 việc làm.
   
  Theo Liên Hợp Quốc, Brazil là nước có số lượng rác thải điện tử nhiều nhất trong khối các thị trường mới nổi. Trung bình mỗi năm người dân Brazil thải ra 96.000 tấn máy tính, 17.000 tấn máy in và 2.200 tấn điện thoại di động. Với kim loại, họ tái chế hoặc làm nguyên liệu thô; với bảng mạch có thể sửa chữa, tân trang và xuất khẩu sang Nhật. Loại nào chứa chất hóa học hoặc axít nguy hiểm thì tìm cách xử lý để không gây hại môi trường.Tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính. Người dân nước này phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác đã phân loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác.

  Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50% - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng…
   
Biến rác thành phân bón
   
Trông người lại ngẫm đến ta…
   
  Ở nước ta, việc phân loại rác tại nguồn cũng đã được thực hiện thí điểm từ năm 1999 đến năm 2001 tại TP. HCM. Vào thời gian đó thành phố chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ nên sau khi ra khỏi gia đình, các loại rác đã được phân loại lại được đổ vào vận chuyển chung. Do vậy chương trình bị thất bại. Đến năm 2001, TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn ở 6 quận - huyện, gồm: Quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi với tổng kinh phí khoảng 284 tỷ đồng. Song  lần triển khai thứ 2 này lại bị đánh giá không thành công vì các quận không có đủ tài chính để tự trang bị xe thu gom rác đã được phân loại. Đến năm 2010, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước được đầu tư hiện đại, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý an toàn 3.000 tấn rác thải của TP.HCM.Tại đây, Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đã đầu tư một nhà máy phân loại tái chế rác, trị giá hơn 10 triệu USD và nhà máy sản xuất phân compost, trị giá hơn 7 triệu USD. Dự kiến, đầu năm 2014 nhà máy sản xuất điện từ khí gas thu được từ bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh trong Khu liên hợp có công suất 12MW sẽ đi vào hoạt động. Đây là công trình được lãnh đạo các Sở - ngành đánh giá cao về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác và chất lượng rác. Mãi cho đến nay, sau 3 năm kể từ khi nhà máy phân loại tái chế của Công ty VWS đã hoàn thành nhưng vẫn “trùm mền” vì không có rác phân loại tại nguồn để vận hành nhà máy. Thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn không chỉ gây tổn thất cho VWS mà còn lãng phí nguồn tài nguyên bởi đến nay hàng ngày rác vẫn cứ phải đem đi chôn lấp.
   
  Tại Việt Nam, việc phân loại rác tại nguồn từ khi thực hiện thí điểm đến nay đã trên dưới 10 năm, nhưng so sánh với nhiều nước thì đây cũng chỉ là bước khởi đầu. Ở Mỹ, để người dân có thói quen phân loại rác tại nguồn, chính quyền cũng phải tuyên truyền, vận động suốt hơn 50 năm.
   
  Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng. Vì vậy nếu tận dụng xử lý được hết nguồn rác thác này thì đây sẽ có thể là nguồn tài nguyên rất lớn trong tương lai.
   
Hoàng Sơn 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến rác thành tài nguyên: Đường còn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO