Biến rác thải thành hàng hóa – Lợi ích kép

Hoàng Ngân| 09/12/2019 10:36

(TN&MT) - Từ những thứ “bỏ đi” hay còn gọi là rác thải, ông Đỗ Chí Lệ, tỉnh Thái Bình đã có sáng kiến biến rác thải thành hàng hóa, giải quyết được vấn đề xử lý rác sinh hoạt tại địa phương và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Là một người con sinh ra và và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Chí Lệ (sinh năm 1959) đã từng là một cán bộ nhà nước. Bản thân ông không được đào tạo ngành nghề kỹ thuật môi trường, song trong cuộc sống cũng như công tác, qua tự học, tự nghiên cứu và từ các thông tin trên báo, đài nêu về vấn nạn rác thải sinh hoạt đang ngày càng nghiêm trọng.

Dây chuyền xử lý, phân loại rác

Rác không được phân loại từ đầu nguồn nên rác thải sinh hoạt tại Việt Nam là một loại rác tổng hợp nhiều thành phần, khiến cho việc xử lý rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có một công nghệ nào có tính ưu việt cao để xử lý triệt để các loại rác thải. Rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp đốt và chôn lấp trong khi quỹ đất dành cho chôn lấp đang ngày càng cạn kiệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Chí Lệ cho biết: “Muốn xử lý rác thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn nét văn minh, sạch đẹp, đảm bảo sức khoẻ con người cần phải có những công nghệ hiện đại để xử lý triệt để các nguồn rác thải phát sinh thải trong môi trường. Từ những yêu cầu đó tôi đã quyết tâm tìm tòi học hỏi và nghiên cứu ra công nghệ xử lý triệt để rác thải không chôn lấp, biến rác thải thành hàng hoá phục vụ cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam”.

Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, ông đã chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt  mang tên TTD01. Sau đó, ông Lệ đã đưa công nghệ này vào xây dựng hoàn chỉnh nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, đã giải quyết môi trường cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với công suất 50 tấn/ngày, trên diện tích đất là 1,7ha.

Ông Đỗ Chí Lệ (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài Đất Việt 2019.

Theo ông Lệ, công nghệ này biến những thứ bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích cho xã hội, thân thiện với môi trường. Chất thải được xử lý trong quy trình khép kín, đảm bảo yếu tố xử lý triệt để và tận thu tối đa những sản phẩm tái chế, góp phần tiết kiệm quỹ đất chôn lấp, hạn chế phát tán mùi hôi.

Với những ưu điểm của giải pháp, vừa qua, ông Lệ đã được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 về lĩnh vực Tự học thành tài.

Sau hơn 3 năm vận hành, nhà máy đã đạt được thành công rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Cả 4 quy trình: xử lý, phân loại, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải đều vận hành tốt và cho kết quả cao. Hơn nữa vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Rác thải được đưa về nhà máy, sau đó phân loại thành rác hữu cơ, vô cơ, chất thải rắn.

Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao, phục vụ nông nghiệp, giá thành thấp. Phân hữu cơ đã được Viện Thổ nhưỡng nông hoá –  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về chất lượng phân bón cho các loại cây trồng, có sức tăng trưởng nhanh và đạt năng suất cũng như chất lượng cây trồng cao hơn so với các loại phân hiện đang dùng trong sản xuất nông nghiệp từ 15 – 20%.

Một trong những quy trình xử lý rác thải

Túi ni lông được tái chế thành hạt nhựa, cung cấp cho các nhà máy chế biến nhựa công nghiệp. Theo thống kê, nhà máy sản xuất ra khoảng trên 1.200 tấn hạt nhựa và trên 3.000 tấn phân bón hữu cơ mỗi năm.

Ông Lệ chia sẻ: Sáng chế có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cũng như xã hội. Phương pháp này đáp ứng được yêu cầu phân loại và xử lý triệt để các loại rác trong rác thải sinh hoạt, tạo ra được các sản phẩm có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí, giá thành thấp chỉ bằng 5% so với giá thành cùng công suất phải nhập ngoại, đơn giản trong vận hành, dễ sửa chữa khi gặp sự cố, tiết kiệm được tài nguyên đất.

Ngoài ra, sáng chế này cũng làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo môi trường xanh – sạch – đẹp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với người lao động trực tiếp xử lý rác và triệt để giải quyết ô nhiễm môi trường xung quanh và loại bỏ rác thải túi nilon ra môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến rác thải thành hàng hóa – Lợi ích kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO