(TN&MT) - Ngày 21/8/2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế- xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tham dự và chủ trì hội thảo cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các nhà khoa học…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại Hội thảo |
“Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Hội thảo sẽ là cơ hội để các lãnh đạo Trung ương, địa phương cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đánh giá, trao đổi, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và những vấn đề trọng tâm của vùng giai đoạn 2011-2015, từ đó đưa ra những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”- ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết.
Tại hội thảo các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo… của vùng ĐBSCL gia đoạn 2011-2015, tuy nhiên trong giai đoạn sắp tới vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức liên quan đến kết cấu hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Do vậy, để khắc phục những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL trong thời gian tới, về phía Trung ương cần tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường bộ đã được quy hoạch mang tính liên vùng như đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi, hành lang ven biển giai đoạn 1, dự án mở rộng quốc lộ 1A; xây dựng nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao và các dự án bảo vệ môi trường; xây dựng nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, thoát lũ, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý khai thác nước ngầm; khẩn trương hoàn thiện quy chế liên kết vùng, tập trung thúc đẩy các vùng chuyên canh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thu hút nguồn vốn ODA; mở rộng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm…
Về phía địa phương, nâng cao chất lượng quy hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng danh mục công trình trọng điểm cấp bách, chuẩn bị đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng với tiến độ nhanh để đón nhận là sóng đầu tư khi việt nam ký kết các hiệp định mới, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu hội nhập…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh cho rằng, ĐBSCL được xác định là vùng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, đây là vùng có nhiều thế mạnh về sản lượng lúa, trái cây, thủy sản so với cả nước. Trong thời gia qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp vùng ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, sản xuất nhỏ lẻ thiếu liên kết, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất còn thấp, biến đổi khí hậu nhanh hơn dự báo, nguồn lực đầu tư còn hạn chế…
“Trong thời gian tới cần lựa chọn sản phẩm theo thế mạnh của mỗi tỉnh thành, nhưng phải gắn với thị trường trong nước và thế giới; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cho phù hợp, ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ; sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn tạo ra gía trị năng xuất cao; mở rộng liên kết đầu vào, đầu ra, liên kết vùng với nhau, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng…” - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Lê Hùng