Thế giới

Biến đổi khí hậu làm tăng khoảng cách giới

Mai Đan (tổng hợp từ FAO) 12/03/2024 - 13:01

(TN&MT) - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố một báo cáo cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đến thu nhập và khả năng thích ứng ở khu vực nông thôn thay đổi theo giới tính, mức độ giàu có và độ tuổi.

Biến đổi khí hậu tác động đến thu nhập và giới

Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đang tác động đến thu nhập của phụ nữ nông thôn, người sống trong nghèo đói và dân số già vì khả năng ứng phó và thích ứng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt của họ là không đồng đều.

FAO chỉ rõ, các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ ở khu vực nông thôn mất thu nhập do nắng nóng nhiều hơn khoảng 8% so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và mức giảm thu nhập của họ khi lũ lụt xảy ra lớn hơn khoảng 3% so với thiệt hại của nam giới. Sự khác biệt giữa các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới khiến phụ nữ thiệt hại thêm khoảng 37 tỷ USD do nắng nóng và thêm 16 tỷ USD do lũ lụt mỗi năm.

16a.jpg
Nếu biến đổi khí hậu không được giải quyết, khoảng cách về năng suất nông nghiệp và thu nhập giữa phụ nữ và nam giới sẽ ngày càng lớn trong những năm tới

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu nhiệt độ trung bình chỉ tăng 1oC, những phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức giảm tổng thu nhập lớn hơn 34% so với nam giới. Xem xét những khác biệt lớn hiện nay về năng suất nông nghiệp và tiền lương giữa phụ nữ và nam giới, nghiên cứu cho rằng nếu không được giải quyết, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng đáng kể những khoảng cách này trong những năm tới.

FAO đã phân tích dữ liệu kinh tế xã hội từ hơn 100.000 hộ gia đình nông thôn, đại diện cho hơn 950 triệu người trên 24 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Họ tham chiếu chéo dữ liệu này với dữ liệu về nhiệt độ và lượng mưa hàng ngày trong 70 năm để xây dựng một bức tranh chi tiết về những thay đổi của khí hậu và thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến thu nhập, lao động và chiến lược thích ứng của người dân, phân biệt dựa trên sự giàu có, giới tính và độ tuổi của họ.

Theo dữ liệu, các tác động không chỉ khác nhau theo giới tính mà còn theo tình trạng kinh tế xã hội. Các hộ nghèo hơn bị thiệt hại trung bình lớn hơn khoảng 5% so với những người hàng xóm khá giả hơn khi lũ lụt hoặc nhiệt độ khắc nghiệt xảy ra. Trong khi đó, nhiệt độ khắc nghiệt làm tình trạng lao động trẻ em trở nên trầm trọng hơn và tăng khối lượng công việc không được trả lương cho phụ nữ ở các hộ gia đình nghèo.

Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cho biết: "Sự khác biệt xã hội dựa trên vị trí, sự giàu có, giới tính và tuổi tác có tác động mạnh mẽ nhưng tác động của chúng đến tính dễ bị tổn thương của người dân ở khu vực nông thôn trước tác động của khủng hoảng khí hậu lại chưa được hiểu rõ. Những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải dành nhiều nguồn lực tài chính và tập trung chính sách hơn cho các vấn đề về tính toàn diện và khả năng phục hồi trong các hành động khí hậu quốc gia và toàn cầu".

Hành động can thiệp

Báo cáo cho thấy, việc giải quyết những thách thức trên đòi hỏi phải có những biện pháp nhằm trao quyền cho nhiều nhóm dân cư nông thôn khác nhau tham gia thích ứng với khí hậu.

Theo báo cáo, các kế hoạch khí hậu quốc gia hầu như không đề cập đến người dân nông thôn. Trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu (NAP) của 24 quốc gia được phân tích trong báo cáo, chỉ 6% trong số 4.164 hành động khí hậu được đề xuất đề cập đến phụ nữ, 2% đề cập đến thanh niên, chưa đến 1% đề cập đến người nghèo và khoảng 6% đề cập đến nông dân ở các khu vực nông thôn.

Tương tự, trong tổng tài chính khí hậu được theo dõi trong năm 2017 - 2018, chỉ có 7,5% dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu; dưới 3% cho nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác hoặc các khoản đầu tư khác liên quan đến nông nghiệp; chỉ 1,7%, trị giá khoảng 10 tỷ USD đến tay các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Các chính sách nông nghiệp cũng bỏ lỡ cơ hội giải quyết vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các vấn đề dễ bị tổn thương như biến đổi khí hậu. Một phân tích về chính sách nông nghiệp của 68 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do FAO thực hiện năm ngoái cho thấy, khoảng 80% chính sách không xem xét đến phụ nữ và biến đổi khí hậu.

Trước thực tế trên, báo cáo kêu gọi đầu tư vào các chính sách và chương trình nhằm giải quyết các "lỗ hổng khí hậu" đa chiều của người dân ở khu vực nông thôn và những khó khăn của họ, trong đó có khả năng tiếp cận hạn chế của họ với các nguồn lực sản xuất. Các chuyên gia khuyến nghị liên kết các chương trình bảo trợ xã hội với các dịch vụ tư vấn có thể khuyến khích thích ứng và đền bù cho những người nông dân bị thiệt hại, chẳng hạn như các chương trình trợ giúp xã hội bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, các hành động về khí hậu toàn diện được đưa vào Chiến lược và Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và Khung chiến lược 2022 - 2031 của FAO, trong đó việc giải quyết tác động của biến đổi khí hậu được lồng ghép trong nỗ lực đạt được 4 mục tiêu tốt hơn: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Tương tự, Lộ trình toàn cầu hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG 2) mà không vượt ngưỡng 1,5oC của FAO khẳng định, bất bình đẳng giới, hành động về khí hậu và dinh dưỡng là những vấn đề được quan tâm đồng đều, hành động phải liên quan đến các khía cạnh này và thúc đẩy sự hòa nhập cho phụ nữ, thanh niên và người bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu làm tăng khoảng cách giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO