Biến đổi khí hậu làm khủng hoảng nước ở Ai Cập leo thang

Mai Đan | 07/11/2019 13:19

(TN&MT) - Khủng hoảng nước ở Ai Cập leo thang và ngày càng trầm trọng hơn do dân số Ai Cập gia tăng và các tác động của biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh sông Nile với những ngôi nhà và đất nông nghiệp ở Cairo, Ai Cập vào ngày 6/11/2019. Ảnh: Reuters / Amr Abdallah Dalsh

Ai Cập lo ngại mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn khi Ethiopia bắt đầu lấp đầy hồ chứa phía sau một con đập khổng lồ ở thượng nguồn.

Ngày 6/11, Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa các quốc gia và đất nước Sudan cùng sử dụng sông Nile để cố gắng bắt đầu lại các cuộc đàm phán bị đình trệ về dự án thủy điện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã thảo luận các vấn đề liên quan với các quan chức của Ai Cập, Ethiopia và Sudan.

“Cuộc họp đã diễn ra tốt đẹp và các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong ngày!” – ông Trump nói.

Nhưng ngay cả khi Washington thành công trong khi nhiều năm đàm phán ba bên thất bại, Ai Cập vẫn sẽ gặp vấn đề căng thẳng về nước khiến họ phải cố gắng để duy trì sản xuất lương thực.

Đứng cạnh mảnh đất nơi trồng lúa mì và thức ăn gia súc ở Fayoum, cách thủ đô Cairo khoảng 100 km về phía Nam, ông Abd-Rabo cho biết: “Sông Nile rất ít nước. Vào mùa đông, đôi khi có nhiều hơn một chút nhưng chủ yếu là vì vùng đất này không cần nhiều nước vào mùa đông. Ngược lại, vào mùa hè, chúng tôi gần như không có nước”.

Các quan chức Ai Cập cho biết Ai Cập hiện có khoảng 570 mét khối (150.000 gallon) nước mỗi người mỗi năm. Các nhà thủy văn học cho rằng một quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nếu nguồn cung giảm xuống dưới 1.000 mét khối mỗi người mỗi năm.

Vẫn sử dụng công nghệ tưới tiêu cũ

Theo dự báo, mực nước của Ai Cập ​​sẽ giảm xuống 500 mét khối vào năm 2025. Con số này không tính đến tác động của đập Đại Phục hưng mà Ai Cập cho biết sẽ hạ thấp mực nước hơn nữa.

Ai Cập coi con con đập này là một mối đe dọa hiện hữu có thể làm suy giảm nông nghiệp và làm hỏng nguồn cung cấp điện.

Hơn 80% lượng nước được sử dụng cho nông nghiệp, nhưng sự khan hiếm nước khiến Cairo, thủ đô của Ai Cập phải nhập khẩu khoảng một phần hai lương thực và là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Chính phủ Ai Cập đang kêu gọi nông dân sử dụng nước tưới tiêu hiệu quả hơn và gieo hạt giống với thời gian sống ngắn hơn và cần ít nước hơn. Nước này cũng đang cố gắng tái chế nhiều nước hơn.

Tuy nhiên, kế hoạch quản lý nước và thủy lợi chưa đến được với tất cả mọi người.

“Chúng tôi vẫn đang sử dụng các công nghệ tưới tiêu cũ, sử dụng bùn và đất và nước thải”, ông Aref Mohamed, một nông dân sống gần thành phố Luxor, phía Nam Ai Cập chia sẻ.

Theo người dân đại phương, các khoản tiền phạt để ngăn chặn nông dân trồng lúa thâm canh nước ở phía Bắc đồng bằng sông Nile không được thực thi nghiêm ngặt như năm ngoái. Theo ước tính của Bộ Thủy lợi Ai Cập, diện tích trồng lúa năm nay đã tăng lên tới 1,75 triệu mẫu Anh (0,7 triệu ha) từ khoảng 800.000 mẫu cùng kỳ năm ngoái.

Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến sản lượng lương thực

Biến đổi khí hậu cũng gây ra một rủi ro khác. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, với nhiệt độ tăng, Ai Cập có thể mất 30% sản lượng lương thực ở các khu vực phía Nam vào năm 2040.

Sóng nhiệt đã làm giảm năng suất cây trồng và ở Fayoum, người dân cho biết nhiệt độ đã tăng lên trong nhiều năm, buộc nông dân phải sử dụng nhiều nước hơn cho ít đất hơn.

“Chúng tôi đã không trồng được gì trên đất này trong ba năm qua vì nhiệt độ tăng cao. Bây giờ, nếu tôi có hai mảnh đất rộng 2,1 mẫu Anh mỗi mảnh, tôi trồng trọt trên một mảnh và phải “bỏ hoang” mảnh còn lại”, một người nông dân khác ở Fayoum chia sẻ.

Tác động của biến đổi khí hậu ở các quốc gia thượng nguồn chưa rõ ràng.

Ông Tahani Mostafa Sileet thuộc Bộ Tài nguyên nước và Thủy lợi của Ai Cập cho biết: “Hiện chưa có số liệu rõ ràng về việc có sự tăng hay giảm lượng mưa ở các quốc gia cùng chung sông Nile hay không”.

“Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào đối với dòng chảy của sông Nile đều có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. Sự sụt giảm 2% lượng nước cũng có thể gây ảnh hưởng đến một triệu người”, Randa Aboul Hosn thuộc Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh.

Theo Tổng hợp từ Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu làm khủng hoảng nước ở Ai Cập leo thang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO